Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong vận động người dân giao nộp súng tự chế, vật liệu nổ ở Lai Châu

Chủ Nhật, 09/01/2022, 16:50

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, Công an tỉnh Lai Châu đã và đang tranh thủ, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc để tuyên truyền, vận động nhân dân vừa tự giác giao nộp súng tự chế, vũ khí, vật liệu nổ (VK,VLN), vừa tích cực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại VK,VLN và công cụ hỗ trợ.

Thói quen sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, ruộng, nương… đã tồn tại từ lâu đời ở những xã, bản vùng sâu, vùng xa. Mối nguy hiểm từ việc sử dụng vũ khí tự chế gây ra thường dẫn đến những hậu quả đau lòng. Để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ (VKVLN), Công an tỉnh Lai Châu đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự nguyện giao nộp VKVLN, góp phần giữ bình yên cho mỗi bản làng.

Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong vận động người dân giao nộp súng tự chế, vật liệu nổ ở Lai Châu -0
Người dân xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) tự giác mang súng tự chế đến giao nộp cho cơ quan Công an.
Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong vận động người dân giao nộp súng tự chế, vật liệu nổ ở Lai Châu -1

Là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, có 23 xã biên giới thuộc 4 huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Toàn tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó trên 87% đồng bào dân tộc thiểu số. Thói quen sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, ruộng, nương đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn Lai Châu như một tập quán lâu đời. Đó là công cụ theo người dân lên nương rẫy đuổi thú dữ, bảo vệ hoa màu. Trong đời sống tâm linh, súng tự chế trên địa bàn tỉnh Lai Châu chủ yếu là súng kíp còn được sử dụng trong các phong tục, tập quán như: đám tang, đám cưới, lễ hội, ngày Tết… Vấn đề này dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của những người dân vùng cao. Chính từ những thói quen đó đã gây ra nhiều vụ việc đau lòng, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Để thực hiện tốt Kế hoạch số 105/KH-BCA-C06 của Bộ Công an về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VKVLN, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Lai Châu là việc làm không phải dễ. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Công an Lai Châu xác định có tác động trực tiếp đến hiệu quả triển khai thực hiện Kế hoạch 105 đó là công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác, tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, góp phần giữ bình yên cho mỗi bản làng.

Trong đó, lực lượng Công an các cấp đã chủ động tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác quản lý, sử dụng VKVLN và công cụ hỗ trợ đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như: tin, bài, phóng sự; thông qua các buổi họp bản, họp khu phố; thông qua hệ thống loa truyền thanh không dây. Qua đó, hàng chục tin, bài, phóng sự tuyên truyền pano, áp phích tuyên truyền được in ấn, phát hành; sao lưu 318 đĩa DVD; tổ chức gần 500 buổi họp dân với hơn 37.000 lượt người tham gia, tổ chức ký cam kết không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với gần hơn 7.000 người; tổ chức 161 lượt tuyên truyền vận động cá biệt đối với 289 người dân. Đặc biệt, lực lượng Công an đã tranh thủ được sự ủng hộ của 260 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia vận động con cháu, các thành viên trong cộng đồng, dòng họ hăng hái tự nguyện giao nộp súng tự chế, súng kíp, quả nổ; chủ động  tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về VKVLN và công cụ hỗ trợ.

Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong vận động người dân giao nộp súng tự chế, vật liệu nổ ở Lai Châu -0
Nhân dân xã Nậm Pi ( huyện Nậm Nhùn) hăng hái mang súng tự chế đến giao nộp cho cán bộ Công an.

Bà Lỳ Cà Ly ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ cho biết, bao đời nay cuộc sống gia đình gắn bó với nương rẫy, súng kíp hay dao phát rừng là những vật dụng vốn rất đỗi quen thuộc với gia đình chị và nhiều người dân địa phương. Nhưng sau khi được nghe trưởng bản và cán bộ Công an xã gặp gỡ nói chuyện, tuyên truyền về các quy định của pháp luật đối với việc sử dụng súng quân dụng, súng tự chế trong đó có súng kíp cũng như phân tích những tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế khiến người dân chúng tôi dần hiểu, vận động nhau, đồng thời nhắc nhở con cháu tự nguyện giao nộp súng kíp, các loại vật liệu dễ gây nổ cơ quan Công an.

Cũng trực tiếp đến trụ sở Công an xã giao nộp 1 khẩu súng kíp tự chế, anh Tráng Hừ Lia ở bản Tìa Chí Lư (xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ) cho biết, sau khi được cán bộ Công an và chính quyền xã tuyên truyền, giải thích về tác hại của việc sử dụng vũ khí tự chế, tôi cũng vận động, chia sẻ với bà con trong bản để nhà nào có vũ khí tự chế nộp lại cho cơ quan chức năng và cùng nhau chấp hành pháp luật để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn Công an xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè thời gian qua cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân, đã thu hồi được gần 50 khẩu súng kíp, súng tự chế các loại từ các bản. Hay một số xã trọng điểm, Công an các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Sìn Hồ… phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân, họp bản; bố trí lực lượng đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền cho bà con hiểu rõ tác hại của các loại VKVLN để từ đó bà con tự giác giao nộp.

Mặc dù đã đạt được những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng việc tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp VKVLN, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn gặp không ít khó khăn. Do địa bàn rộng, một bộ phận nhân dân nhận thức còn hạn chế, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an và chính quyền cùng các ban, ngành đoàn thể cần tiếp tục được tiến hành thường xuyên; trong đó cần tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng để từ đó giúp đồng bào dân tộc nâng cao nhận thức pháp luật về công tác quản lý VKVLN và công cụ hỗ trợ của Nhà nước; tạo thay đổi về thói quen, tập tục cũ, để người dân tự giác chấp hành pháp luật.

P. Tâm
.
.