Già làng La Chí Thái - "cây cao bóng cả" ở Xí Thoại

Thứ Sáu, 18/02/2022, 05:24

Trong không khí của ngày xuân, chúng tôi theo chân Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân (Phú Yên) về thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh gặp gỡ già làng La Chí Thái - một tấm gương điển hình có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ ANTT địa phương.

Năm nay, đã vào tuổi 82, nhưng già làng La Chí Thái vẫn còn khỏe mạnh; với chất giọng trầm ấm, ông chia sẻ rằng, ông là người dân tộc Ba Na, sinh ra và lớn lên ở vùng căn cứ cách mạng Phú Mỡ. Từ thời niên thiếu ông đã theo ông nội lên núi cao, rừng sâu thu hái cây, lá, thân, rễ nhiều loại thuốc nam gùi để chữa bệnh cho người dân ở nhiều buôn làng. Từ đó ông đã được ông nội truyền dạy nghề chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Đến giữa năm 1960, ông rời làng nhập ngũ vào Đại đội 3, Ban Chỉ huy quân sự huyện Miền Tây lúc bấy giờ. Với “vốn liếng” đông y gia truyền và những kiến thức từ lớp y tá tại Bệnh xá Tiểu đoàn 85, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, ông đảm trách tiểu phẫu, cứu thương và điều trị bệnh cho hàng trăm thương, bệnh binh giữa thời chiến ở miền núi, thiếu thốn vật tư y tế, thuốc tân dược.

Sau gần 9 năm trong quân ngũ, ông được điều chuyển về Bệnh xá II ở huyện Miền Tây đảm nhiệm Phó Bí thư Chi bộ, Y tá trưởng, nhưng ông luôn vận dụng những bài thuốc cổ truyền để kết hợp điều trị, hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân, tiết kiệm nguồn tân dược dành cho những trường hợp cấp cứu. Những bài thuốc nam gia truyền của ông đã cứu chữa hiệu quả nhiều bệnh nhân sốt rét, nhiễm khuẩn đường ruột, cảm cúm, thương hàn, phong thấp, tê nhức xương khớp… Tất cả đều do chính ông luồn rừng, lội suối tìm kiếm, thu hái từng loại thảo mộc rồi cùng đồng nghiệp chế biến, bảo quản dược liệu để chủ động trong điều trị.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông công tác ở Trạm Y tế xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa cho đến năm 1983 được nghỉ hưu. Thế nhưng, với tư cách đảng viên, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, thầy thuốc đông y và già làng uy tín, ông vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, ANTT ở địa phương và tiếp tục chữa bệnh. Những bài thuốc nam gia truyền chuyên trách điều trị các chứng bệnh liên quan đến gan, thận, dạ dày, đại tràng, xương khớp… của ông không chỉ giúp cho nhiều người dân ở địa phương mà đã có không ít bệnh nhân từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Định… thoát bệnh.

guong sang.jpg -0
Trưởng Công an huyện Đồng Xuân thăm, tặng quà già làng La Chí Thái.

Theo Trung tá Vũ Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Xuân Lãnh, già làng La Chí Thái là người dành nhiều tâm huyết, trí lực vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Xuân Lãnh xóa bỏ tập tục lạc hậu, đẩy lùi mê tín dị đoan, vận động người dân đưa con em đến trường học, không tảo hôn, kết hôn cận huyết, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, sinh hoạt thường nhật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi…

Ông là người có công rất lớn trong xây dựng thôn Xí Thoại trở thành thôn văn hóa đầu tiên của ba huyện miền núi ở Phú Yên từ năm 1997. "Già làng La Chí Thái đã từng đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động người dân bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, để sau đó Xí Thoại làng văn hóa du lịch. Đặc biệt là Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của đồng bào Ba Na, Chăm Hroi ở thôn Xí Thoại được Bộ VH,TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia", Trung tá Vũ Mạnh Cường nói.

Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân nhận xét rằng, già làng La Chí Thái không chỉ là lương y có những bài thuốc gia truyền cứu chữa nhiều người bệnh, mà còn là một cựu chiến binh, đảng viên gương mẫu, một già làng rất có uy tín, góp phần tích cực đổi mới đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ ANTT ở địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua ông là nhân tố điển hình tích cực trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được UBND tỉnh Phú Yên, UBND huyện Đồng Xuân, UBND xã Xuân Lãnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Chia sẻ tâm nguyện của mình, già làng La Chí Thái bày tỏ: “Niềm vui của tôi là 3 người con đều là đảng viên. Người con gái đầu làm công tác chi hội nông dân kiêm y tế thôn bản, con trai giữa là Trung tá, Phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Đồng Xuân, cậu con trai út là Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện Đồng Xuân. Còn trí lực, tôi còn tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng thôn, xã đổi mới, phát triển và bình yên, đặc biệt là tận tâm cứu chữa người bệnh bằng y học cổ truyền”. 

Hữu Toàn
.
.
.