Iran dội mưa tên lửa và hai lựa chọn dành cho ông Trump

Thứ Tư, 08/01/2020, 14:35
Hàng loạt vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự của Iraq có quân Mỹ đồn trú đang thêm dầu vào chảo lửa căng thẳng Washington – Tehran, có thể bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện.


Trên thực tế, Iran đã bác bỏ những nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Iran không thể đáp trả những hành động khiêu khích ồ ạt gần đây của Mỹ, trong đó vụ không kích nhằm vào sân bay ở Baghdad khiến tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, thiệt mạng.

Cuộc tấn công bất ngờ của Iran, dù đến nay được cho là không gây thương vong, nhưng cũng đã phá vỡ quan điểm của nhiều đồng minh của ông Trump rằng cuộc không kích hôm 3-1 khiến Soleimani thiệt mạng đã đủ sức răn đe Iran. Khác xa với việc ngăn chặn một cuộc chiến như lời hứa của ông chủ Nhà Trắng, vụ không kích này có thể đã khơi mào một cuộc chiến thực sự.

Trong khi vụ tấn công bằng tên lửa này là cuộc đối đầu trực diện hiếm hoi giữa Mỹ và Iran, nó không mạnh như tưởng tượng nếu so với tầm quan trọng biểu tượng của Soleimani với Iran. Câu hỏi hiện giờ là Tổng thống Trump, đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, sẽ phản pháo thế nào?

Ông Trump ở thế tiến thoái lưỡng nan sau vụ tấn công của Iran. Ảnh minh họa Reuters. 

Nếu không bên nào chịu nhường bên nào, Mỹ có thể sẽ ở trên bờ vực của cuộc chiến tranh với Lực lượng cách mạng Iran sau hơn 40 năm xung đột, với những lời tuyên bố cay nghiệt dành cho nhau và cả những cuộc tiếp xúc ngoại giao ngắn ngủi.

Hoặc mỗi bên có thể cân nhắc việc giữ thể diện và lùi lại khỏi đỉnh điểm của cuộc đối đầu đang có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát. Một bước lùi như vậy sẽ không thể tháo gỡ căng thẳng. Nếu trường hợp này xảy ra, nhiều khả năng Iran sẽ nỗ lực hất cẳng lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực và Washington sẽ tăng gấp đôi áp lực chính trị, kinh tế và ngoại giao với Tehran.

Một cuộc chiến với Iran có thể sẽ khiến đời sống chính trị tại Mỹ thêm tồi tệ, đặc biệt là trong bối cảnh ông Trump phải đối mặt với phiên tòa luận tội tại Thượng viện và nỗ lực tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Nó cũng có thể khiến chảo lửa Trung Đông tiếp tục cháy dữ dội, còn hơn cả thời kỳ cuộc chiến Iraq, làm gián đoạn cuộc chiến chống IS. Trong bối cảnh các đồng minh phản đối chính sách quá hà khắc của ông Trump đối với Iran, Mỹ có khả năng “đơn độc” trong cuộc chiến này.

Hiện tại, có vẻ như ông Trump chỉ có 2 sự lựa chọn.

Đầu tiên, đâm lao thì theo lao, ông có thể tiếp tục theo các lời đe dọa của mình và tiến thêm một bước trong chu kỳ leo thang căng thẳng. Trong kịch bản này, và trong bối cảnh Iran đã bắn tên lửa vào mục tiêu Mỹ từ chính lãnh thổ của mình, có vẻ như chắc chắn Mỹ sẽ tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Iran. Và từ đó, Iran sẽ tham gia vào một cuộc chiến toàn diện. “Nếu Iran làm bất cứ điều gì mà họ không nên làm, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả và rất nặng nề”, Tổng thống Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục ngày 7-1.

Hiện nay, vẫn còn chờ vào kết quả đánh giá của Mỹ về hậu quả các vụ tấn công của Iran ngày 8-1. Ông Trump có thể lựa chọn chấp nhận lối chơi của Iran khi nước này đáp trả vụ ám sát Soleimani và kìm hãm cơn thịnh nộ của quân đội Mỹ. Trong khi Tehran không bắn thẳng đến quân đội Mỹ, nước này vẫn có thể tiến hành các bước với khả năng cao dẫn đến thương vong lớn cho Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump sẽ không bao giờ chịu lùi bước nếu phía Mỹ có tổn hại. “Câu thần chú” của ông là khi bị tấn công, phải đáp trả mãnh liệt hơn, một triết lý dường như đã được thể hiện thông qua vụ không kích giết chết tướng Soleimani, động thái khiến một số quan chức trong chính quyền Trump cũng phải bất ngờ.

Tuy nhiên, vào thời điểm chính trị rối ren này, ông Trump có thể bị kéo đi theo hướng khác. Ông Trump trước nay vẫn có ý định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi các mặt trận trên toàn thế giới. Ông thấy việc triển khai quân ra nước ngoài là một sự lãng phí ngân sách. “Chúng ta không muốn mắc kẹt ở đó mãi mãi, chúng ta muốn có thể thoát khỏi đó. Tôi chưa từng muốn ở đó, thành thật mà nói”, ông Trump từng chia sẻ.

Không giống như suy đoán của nhiều người, Mỹ không hề trả đũa ngay lập tức vụ tấn công ngày 8-1. Tổng thống Mỹ dường như lan tỏa cái “thở phảo nhẹ nhõm” rằng không có binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng trong vụ tấn công, mặc dù có báo cáo chưa được kiểm chứng về thương vong ở phía Iraq.

Lần đầu lên tiếng sau khi căn cứ quân sự bị nã tên lửa, TT Trump tuyên bố trên Twitter: “Tất cả đều ổn! Tên lửa được phóng từ Iran vào hai căn cứ quân sự ở Iraq. Đánh giá thương vong và thiệt hại bây giờ đang diễn ra. Mọi thứ vẫn tốt đẹp! Chúng ta có quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất ở bất cứ đâu trên thế giới, thực sự vượt trội! Tôi sẽ đưa ra một tuyên bố vào sáng mai”.

Ông Trump cũng không đưa ra tuyên bố quốc gia nào từ Văn phòng Tổng thống về vụ việc. Có lẽ, một quãng nghỉ ngắn sẽ giúp ông Trump có đủ thời gian để suy ngẫm.

Tướng nghỉ hưu Mark Hertling đã đưa ra lời khuyên rằng “nên kiềm chế”. “Thật dễ dàng để rơi vào và bắt đầu một cuộc chiến, nhưng kiềm chế bản thân khỏi nó mới là việc khó làm”, ông Hertling cho biết.

Thượng nghị sĩ Robert Menendez của Mỹ ngày 7-1 cũng thúc giục ông Trump “lùi lại một bước” trước khi quá muộn. “Người Mỹ không muốn bị lôi vào một cuộc chiến không hồi kết khác tại Trung Đông mà không có bất kỳ mục đích hay chiến lược cụ thể nào”, ông Menendez cho biết.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.