Trẻ em ít chịu tác động từ virus Corona hơn người lớn?

Thứ Sáu, 07/02/2020, 15:25
Nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tạp chí Y học New England tiết lộ: trong tổng số 425 ca nhiễm virus Corona chủng mới (2019-nCoV) đầu tiên tại Vũ Hán, không một trường hợp nào lây nhiễm là trẻ em dưới 15 tuổi. 

Trong bài báo do thời báo Times dẫn lại, nghiên cứu của một nhóm bác sĩ dựa trên đặc điểm của 425 người đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc nhiễm virus Corona chủng mới cho thấy, không có trường hợp nào dưới 15 tuổi.

Theo đó, tuổi trung bình của các bệnh nhân là 59. Tính đến giữa tháng 1, bệnh nhân trẻ nhất tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này là 36 tuổi và mới đây nhất ngày 7/2 là một bác sĩ người Trung Quốc 34 tuổi. Báo cáo khẳng định, dù không có thống kê chính xác tuyệt đối, song số trường hợp trẻ em nhiễm bệnh là ít. 

Số liệu thống kê cho thấy người lớn dường như có nguy cơ lây nhiễm chủng virus mới hơn trẻ em. Ảnh: NY Post

Theo bác sĩ Mark Denison, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Y khoa Vanderbilt (Mỹ), nghiên cứu đã chỉ ra một số so sánh quan trọng giữa chủng virus Corona mới và hội chứng hô hấp cấp SARS trước đó.

Theo đó, SARS "ít phổ biến hơn" ở trẻ em so với người lớn trong đợt bùng phát tại Trung Quốc hồi năm 2003, và những trẻ em dưới 13 tuổi cũng ít gặp phải các triệu chứng nghiêm trong hơn so với người lớn.

Nghiên cứu cho rằng, các đặc điểm sinh học khác biệt giúp trẻ em "ít nhạy cảm" hơn với 2019-nCoV so với người lớn, do các tế bào ở trẻ em có cơ chế ít "đón nhận" loại virus này, khiến 2019-nCoV khó tái tạo và truyền sang người khác.

Do đó, trẻ em cũng sẽ có những triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn nếu bị nhiễm virus, khiến đối tượng trẻ em hiếm khi cần sự chăm sóc y tế đặc biệt như người lớn nhiễm bệnh. 

Trong khi đó, Tiến sĩ Sharon Nachman, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Trẻ em Stony Brook ở New York, Mỹ cho biết thêm rằng môi trường sống của trẻ em cũng có thể giúp loại bỏ virus.

Theo ông, trẻ em thực tế có thể dễ nhiễm một số loại virus thông thường, bao gồm các loại virus truyền nhiễm như gây cảm lạnh, so với người lớn. Điều này giúp trẻ em có khả năng hình thành một cơ chế miễn dịch nhất định. 

Chính việc gặp phải nhiều chủng virus theo thời gian có thể tạo ra "ô miễn dịch", giúp trẻ có khả năng miễn dịch đối với loại virus Corona chủng mới nguy hiểm này.

Đồng ý với quan điểm này, bác sĩ Mark Denison nhấn mạnh, về mặt tiến hóa, con người có thể tiếp xúc với một số loại virus từ nhỏ. Hệ miễn dịch của cơ thể sau đó sẽ nhận biết và làm quen với những virus này, từ đó hình thành các kháng thể chống lại virus. 

Tuy nhiên, ông Denison cũng lưu ý rằng, những đánh giá từ nghiên cứu mới ở trên lý thuyết, dựa trên số liệu và kinh nghiệm y học, chứ chưa có công trình nghiên cứu cụ thể. Và cần nhớ rằng, kháng thể chống virus này không thể tồn tại mãi mãi.

Tiến sĩ Sharon Nachman cũng khuyến cáo rằng, việc luôn rửa tay sạch sẽ, ăn uống lành mạnh và đầy đủ sẽ giúp cả trẻ em và người lớn bảo vệ mình trước sự lây lan của virus Corona. 

An Nhiên
.
.
.