Sẽ cắt danh mục điều trị bệnh "nhạy cảm" của Phòng khám Trung Quốc

Thứ Hai, 23/10/2017, 08:52
“Các kỹ thuật điều trị như: trĩ, cắt bao quy đầu, yếu sinh lý, bệnh nam khoa, bệnh phụ khoa,… sẽ tạm thời bị tạm ngưng trong các lĩnh vực hoạt động của các Phòng khám có yếu tố nước ngoài, nhất là các Phòng khám Trung Quốc (PKTQ) bị phản ánh nhiều”.

Đó là thông tin do ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết khi trả lời phỏng vấn của PV Báo CAND về vấn đề ngăn chặn tình trạng các PKTQ “vẽ bệnh”, moi tiền bệnh nhân gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

PV: Gần đây lại rộ lên chuyện người dân tố cáo các PKTQ tìm cách moi tiền bệnh nhân với giá cao. Xin ông cho biết Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có biết việc này hay không?

Ông Bùi Minh Trạng.

Ông Bùi Minh Trạng: Không chỉ gửi phản ánh đến cơ quan báo chí mà người dân cũng đã gửi đén Sở Y tế và Bộ Y tế. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã ban hành 23 quyết định xử phạt với tổng số tiền là 827 triệu đồng với các PK này. Toàn thành phố có hơn 14.000 cơ sở y tế tư nhân được cấp phép, Sở Y tế đã phải dốc toàn lực để quản lý hoạt động của các cơ sở này, trong đó có PK có yếu tố nước ngoài.

Thời gian qua, theo chỉ đạo của lãnh đạo ngành, để không trùng lắp các đoàn kiểm tra tại các PK, Thanh tra Sở và Phòng Y tế quận, huyện tạm thời không đi thanh tra, kiểm tra các PK đa khoa. Tuy nhiên, vắng bóng lực lượng Thanh tra là lại nảy sinh tình trạng như trên. Do đó, Thanh tra Sở đã đề nghị lãnh đạo cho phép tiến hành các hoạt động thanh tra đột xuất như trước đây để xử lý và chấn chỉnh kịp thời.

PV: Tháng 4-2017, sau đợt bệnh nhân tố cáo bị "vẽ bệnh" tại một số PKTQ, ngành đã họp nhằm chấn chỉnh hoạt động tại những cơ sở này. Ông cho biết, việc chấn chỉnh tới đâu?

Ông Bùi Minh Trạng: Tại cuộc họp này, chúng tôi đã thông báo tất cả những phản ánh của người dân và vi phạm của các PK qua công tác thanh kiểm tra. Trong đó, đã vạch mặt những thủ đoạn đối phó của một số PK và yêu cầu họ nghiêm túc chấp hành các quy định của ngành. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo, trong quá trình kiểm tra đánh giá nếu phát hiện sai phạm sẽ chuyển Thanh tra xử lý vi phạm hành chính.

Có 192 PK đa khoa đã đi vào nề nếp và tổ chức cung ứng tốt dịch vụ cho người bệnh,  tuy nhiên một số các PK như vừa nêu lại hay gặp sự phản ánh của bệnh nhân xung quanh 2 vấn đề: giá cả quá cao và “vẽ bệnh”.

Ngoài ra, các PK vi phạm đã tinh vi hơn trong việc đối phó với cơ quan quản lý. Khi kiểm tra thì các cơ sở này đều niêm yết công khai giá theo qui định và khi thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân thì đều được bệnh nhân ký tên đồng ý nên Thanh tra không thể nào xác lập được vi phạm. Giá cao hay thấp thì pháp luật cũng không có qui định.

Đối với vấn đề “vẽ bệnh”, Thanh tra Sở không thể kết luận được khi có sự chẩn đoán khác nhau giữa các cơ sở, phải trưng cầu hội đồng chuyên môn kết luận. Cũng chưa có một bệnh nhân nào đồng ý phối hợp với Thanh tra Sở tiến hành giám định vì, sau khi PK biết được danh tính người bệnh, đã tiến hành thỏa thuận trả lại tiền. Họ cũng đánh vào tâm lý bệnh nhân ngại lộ ra những bệnh “khó nói” nên sau thoả thuận, bệnh nhân khiếu nại "rút" đơn lặng lẽ và đều cắt liên lạc với thanh tra.

Khi có hai cơ sở với hai chẩn đoán khác nhau thì theo qui định của ngành, chỉ có Hội đồng khoa học mới có quyền kết luận nơi đúng, nơi sai, trong đó bệnh nhân có vai trò quan trọng để cung cấp thông tin. Bệnh nhân nói có, phòng khám nói không sẽ khó xác định được sự thật.

PV: Theo ông, nguyên nhân các PKTQ sai phạm kéo dài là do người bệnh cả tin hay do quản lý yếu kém?

Ông Bùi Minh Trạng: Tôi nghĩ việc quản lý cũng có nhiều bất cập. Cơ quan quản lý trong tình trạng luôn đi sau sự đối phó của các nơi này. Khi phát hiện ra vấn đề rồi tổ chức chấn chỉnh thì họ biến sang dạng đối phó khác. Về mặt pháp lý, chúng ta phải tôn trọng sự tồn tại của họ. Nên ngoài việc đề xuất siết chặt danh mục kỹ thuật như trên, thời gian tới cần thiết phải tạm ngưng các kỹ thuật bị phản ánh nhiều, thậm chí yêu cầu báo cáo hằng tuần các ca thực hiện thủ thuật này cùng tên tuổi bác sĩ thực hiện.

Sở sẽ yêu cầu trình bảng giá chi tiết tất cả các kỹ thuật, công khai trên trang web của Sở, giúp người dân cùng giám sát. Lãnh đạo Sở Y tế cũng đã chỉ đạo, nếu cơ sở tái phạm sẽ xử phạt mức phạt cao nhất trong khung và ngưng hoạt động.

Trong việc này cũng có phần của một số cơ quan truyền thông trong việc tham gia quảng cáo cho các PK này với nội dung không được cho phép và người bệnh thiếu thông tin, không kỹ càng trong việc khám, điều trị. Đáng lẽ phải yêu cầu PK đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị, phải tham khảo thông tin trước khi quyết định vì tất cả trường hợp nêu trên không phải là khẩn cấp.

PV: Dư luận cho rằng, xử lý chưa nghiêm do có một bộ phận bác sĩ Việt Nam cấu kết với những PK kiểu này. Theo ông, quy định pháp luật để chế tài cần phải ra sao để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hoàn toàn chuyện này?

Ông Bùi Minh Trạng: Chúng tôi nhận định, một bộ phận các bác sĩ Việt Nam có thể không nắm được tình hình lừa đảo tại các PK mà họ đứng tên hoặc chỉ là người cho thuê mướn Chứng chỉ hành nghề (CCHN). Đây là một việc rất khó, lãnh đạo Sở chỉ đạo, nếu phát hiện ra bất kỳ trường hợp nào cho thuê mướn CCHN sẽ bị tước CCHN. Sở Y tế cũng sẽ nhờ phối hợp của cơ quan chức năng để nhằm phát hiện các trường hợp cho thuê mướn CCHN mà không làm việc trực tiếp.

PV: Thanh tra Sở Y tế đã thừa nhận, trên địa bàn có khoảng 16 PK có người Trung Quốc hành nghề hay vi phạm. Theo ông, cần có cách gì để người dân tự phát hiện, tránh bị "đưa đường dẫn lối" vào những PK này?

Ông Bùi Minh Trạng: CCHN cho người nước ngoài hoạt động khám chữa bệnh do Bộ Y tế cấp, giấy phép lao động do cơ quan quản lý lao động cấp và họ đăng ký hành nghề với Sở Y tế nơi PK hoạt động.

Chúng tôi hoan nghênh tất cả thầy thuốc nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh trên địa bàn, nhưng khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Vừa qua chúng tôi đã công khai danh sách tất cả phòng khám, các bác sĩ hành nghề trên trang web Sở Y tế để mọi người có thể kiểm tra; tất cả xử lý vi phạm hành chính của các cơ sở đều được đưa lên trang web nhưng có lẽ ít người dân vào tham khảo.

Vì khi nhìn vào đó có thể so sánh, đối chiếu giúp phát hiện các cơ sở hoạt động không phép hoặc người hành nghề không có chứng chỉ. Sở Y tế và Công an TP Hồ Chí Minh đã có quy chế phối hợp và thường xuyên để xác minh, giám sát và kiểm tra đột xuất. Chúng tôi không ngụy biện nhưng nếu không có sự nỗ lực ngăn chặn của Thanh tra cùng với các cơ quan liên quan thì sự việc sẽ còn phức tạp hơn.

Chúng tôi nghĩ từng bước sẽ buộc các PK này vào khuôn mẫu hoặc phải đóng cửa. Việc vi phạm này cũng chỉ xảy ra ở cá biệt một số PK. Các phòng khám cũng "vịn" vào chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là không thanh kiểm tra doanh nghiệp tư nhân quá 1 lần một năm để bắt bẻ cơ quan Thanh tra, tuy nhiên quan niệm của chúng tôi là phải thực thi nhiệm vụ tốt nhất vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người bệnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Huyền Nga
.
.
.