Sẵn sàng ứng phó cấp bách với ca nhiễm COVID-19 mới
- Không bỏ sót người nhiễm COVID-19 ở nơi khám chữa bệnh
- Hàn Quốc truy tìm 3.000 thành viên của giáo phái giữa dịch COVID-19
- Rộ thông tin sơ tán quan chức ngoại giao khỏi Triều Tiên vì COVID-19
Tạm dừng miễn thị thực với công dân Hàn Quốc
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh do COVID-19 gây ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào sáng 29-2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, trước diễn biến dịch bệnh lây lan phức tạp trên thế giới, nhất là tại một số nước như Hàn Quốc, Italy, Iran,… Chính phủ đã quyết định tạm dừng áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc.
Người đi từ vùng dịch về phải thực hiện cách ly y tế 14 ngày. |
Theo ông Dũng, đây là biện pháp tạm thời nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, cộng đồng, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đối với kinh tế, xã hội. Quyết định này chính thức được áp dụng từ 0 giờ ngày 29/2.
Không riêng vùng dịch Trung Quốc và Hàn Quốc, tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thống nhất yêu cầu các địa phương tiến hành tổ chức cách ly y tế 14 ngày theo quy định đối với công dân Iran và Italy nhập cảnh vào Việt Nam.
Các chuyên gia y tế đề nghị đối với những chuyến bay từ vùng có dịch về nước cần tổ chức tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ ngay chân cầu thang máy bay, đưa về nơi cách ly tập trung, sau đó tiến hành sàng lọc, phân loại để thực hiện cách ly y tế theo quy định.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị địa phương, cơ sở tiếp tục tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ đang thực hiện cách ly y tế tại cộng đồng, không để bỏ lọt người bị cách ly.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, người nhập cảnh; thực hiện các biện pháp ngăn chặn quyết liệt nhằm phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch triệt để.
Đến nay, chúng ta chưa có ca lây nhiễm mới, nhưng phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng dịch lây lan ra cộng đồng như cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta chủ động hơn nhưng tuyệt đối không chủ quan”. Các địa phương có sân bay quốc tế là đầu mối tiếp nhận người Việt Nam từ vùng có dịch về nước. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của các quân khu và các tỉnh có công dân từ vùng dịch về nước phải cộng đồng trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận và tổ chức cách ly y tế.
Bộ Công an thông báo ngay cho các địa phương thông tin các trường hợp công dân Việt Nam về nước; đồng thời phối hợp với các gia đình để xác định thông tin thân nhân, trên cơ sở đó có giải pháp sàng lọc, giám sát, thực hiện nghiêm các cam kết trong việc cách ly y tế, ngăn ngừa dịch bệnh. Đối với các công dân Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc, phải có đại diện doanh nghiệp, tổ chức xác nhận thông tin, ràng buộc trách nhiệm…
Sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh mới
Mấy ngày vừa qua, công dân Việt Nam sinh sống, học tập ở Hàn Quốc về nước rất lớn. Theo thông tin từ hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tổng số người tiếp xúc gần và về từ vùng dịch mà chúng ta đang theo dõi sức khỏe lên tới gần 5.000 người.
Các chuyến bay đưa công dân từ Hàn Quốc về sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều được cách ly ngay từ chân máy bay, phân loại và đưa vào khu cách ly tập trung 14 ngày.
Khu cách ly công dân về từ vùng dịch ở Sơn Tây. Ảnh: Dũng Nguyễn |
Đến trưa 29/2, khu cách ly tại Sơn Tây của Bộ tư lệnh Thủ đô đã có gần 700 người. Hiện nay, số công dân từ Hàn Quốc về nước đang ở vào tình trạng quá tải. Tới đây, sẽ thực hiện cách ly 14 ngày đối với người đến từ Ý và Iran, áp lực ở các khu cách ly lại càng lớn.
Tuy nhiên, cách ly là biện pháp tiên quyết trong phòng chống dịch, vì vậy Chính phủ đã huy động Bộ Quốc phòng tham gia vào công tác chống dịch và chưa khi nào lực lượng Quân đội lại tham gia mạnh mẽ như lần này.
Xác định trong thời gian tới sẽ ghi nhận thêm ca mắc mới, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Bộ Y tế đã lên phương án sẵn sàng cho nhiều nghìn bệnh nhân. Hàn Quốc bùng phát dịch bệnh có yếu tố không may mắn, có bệnh nhân không hợp tác trong cách ly, dẫn đến lây lan dịch bệnh ra nhiều người. Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và lấy Hàn Quốc làm bài học để rút kinh nghiệm. Bệnh nhân có nguy cơ phải cách ly ngay, không để người bệnh trong cộng đồng phát tán virus ra xung quanh, nhất là ở nơi đông người, trong phòng họp… Người bị cách ly phải hết sức tuân thủ quy định, không trốn ra ngoài, nếu trốn phải áp dụng biện pháp xử lý theo quy định để làm nghiêm.
Theo BS Cấp, chúng ta có hệ thống y tế dự phòng cũng như hệ thống kiểm dịch biên giới hoạt động tích cực từ giai đoạn đầu tiên. Cho nên, số lượng bệnh nhân bị bệnh COVID-19 ở nước ta đã được kiểm soát ngay từ đầu, chỉ có 16 ca. “Với số bệnh nhân thấp như vậy, chúng ta có thể bảo đảm cho bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất. Điều này khác hẳn so với tình hình dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán. Đó là sự may mắn của chúng ta” - BS Cấp nói.
Tuy nhiên, với bất cứ một hệ thống y tế nào thì khả năng đáp ứng cũng ở mức độ nhất định. Nếu vượt khả năng đáp ứng đó thì chất lượng điều trị sẽ suy giảm. Theo BS Cấp, trong trường hợp số lượng bệnh nhân nhiều hơn, Bộ Y tế đã có các chiến lược ứng phó và cung ứng khả năng chăm sóc tốt nhất. Chiến lược đó là “bốn tại chỗ”: điều trị tại chỗ với nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ và thiết bị tại chỗ. Chỉ những bệnh nhân nặng mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
BS Cấp cho biết thêm, phác đồ điều trị COVID-19 giữa chúng ta và Tổ chức Y tế thế giới là hoàn toàn thống nhất với nhau, không có gì khác biệt. Chỉ có điều áp dụng cụ thể trên thực tế thì chúng ta có những điểm sáng tạo. Như chúng ta sử dụng chiến lược "bốn tại chỗ" phù hợp hơn với hoàn cảnh của Việt Nam.
Và một trong những kinh nghiệm sống còn của dịch SARS là chúng ta không sử dụng khu cách ly đóng kín mà sử dụng các khu cách ly mở có thông gió tự nhiên. Điều này phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết của Việt Nam và cũng là lợi thế của chúng ta so với Vũ Hán. Vũ Hán không áp dụng cách ly mở như chúng ta vì thời tiết rất lạnh. Do đó Vũ Hán bắt buộc phải sử dụng phòng áp suất chân không để cách ly. Do vậy việc cách ly và điều trị, chúng ta có thể đưa về địa phương và thậm chí có thể đưa về đến phòng khám khu vực như ở Vĩnh Phúc mà vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt.
“Đó chính là một vài áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện khí hậu của chúng ta so với các hướng dẫn phác đồ điều trị ở các nước và của WHO” - BS Cấp chia sẻ.
Cả 46 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 có kết quả âm tính
Cập nhật của hệ thống giám sát dịch bệnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh ngày 28/2, có 220 trườn g hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố tại Bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, tăng 49 trường hợp so với ngày 27/2. Tổng số người được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện là 60 trường hợp, đã có 47 người kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày, hiện còn 13 người đang tiếp tục được theo dõi. Số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 3.018 trường hợp, có 2.964 trường hợp hết thời gian theo dõi, hiện còn 54 trường hợp đang tiếp tục được theo dõi.
Sở Y tế thành phố cho biết vẫn đang thực hiện nghiêm các hoạt động áp dụng khai báo y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc; cách ly kiểm dịch đối với các trường hợp cần phải cách ly; đưa người Việt Nam nhập cảnh từ Hàn Quốc có nơi cư trú tại TP Hồ Chí Minh từ sân bay về nhà để giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tất cả 46 trường hợp nghi nhiễm virus Corona trên địa bàn thành phố đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Như vậy, đến thời điểm này trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa phát sinh thêm trường hợp nào nhiễm virus Corona. Trước đó, 3 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được chữa khỏi và xuất viện.
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, hiện nay, Bệnh viện dã chiến thứ hai tại TP Hồ Chí Minh được các đơn vị thi công thực hiện từ ngày 26/2 có quy mô 200 giường. Đây là bệnh viện dành để cách ly, theo dõi những người đến TP Hồ Chí Minh từ các quốc gia hay vùng có dịch COVID-19. Bệnh viện này nằm trong khuôn viên doanh trại Trung đoàn 10, đóng tại huyện Nhà Bè.
Ngoài 3 tòa nhà dành làm nơi nghỉ, bệnh viện còn có nhà ăn rộng rãi và nơi sinh hoạt ngoài trời. Công tác thi công đang được tiến hành gấp rút như lắp điện, sơn quét, trang bị các trang thiết bị máy móc trong các tòa nhà. Theo kế hoạch, hết tuần này sẽ hoàn tất công tác thi công và chuẩn bị để từ đầu tuần tới có thể tiếp nhận, cách ly những người đến từ vùng dịch.
Để làm tốt công tác cách ly, giám sát người về từ vùng dịch, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn hỏa tốc đến sở y tế các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp tiếp nhận người dân của các tỉnh, thành trở về từ Hàn Quốc nhập cảnh tại TP Hồ Chí Minh để giám sát chặt và tổ chức cách ly y tế kịp thời theo quy định.
Theo đó, nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ và tổ chức cách ly y tế kịp thời theo đúng quy định đối với người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phân công Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng của các tỉnh, thành phố phụ trách tiếp nhận thông báo qua điện thoại từ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh; điều phối xe và nhân viên đến đón người dân của địa phương trở về từ Hàn Quốc (đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất).