Phép nhiệm mầu của cuộc sống và lòng nhân

Thứ Tư, 10/02/2016, 10:28
Bé Nguyễn Quốc Huy được coi là trường hợp sống sót diệu kỳ không chỉ của Việt Nam, mà còn rất hiếm gặp trong Y văn. Bé Huy ra đời và được sống cũng là kỳ tích của ngành y, và cũng là nhờ sức sống của tình người.


Hơn một năm trước, câu chuyện về sự ra đời trong nỗi đớn đau tột cùng của bé Nguyễn Quốc Huy được báo chí đăng tải đã làm lay động bao con tim cả trong và ngoài nước. Ngày 25-10-2014, anh Nguyễn Văn Nam (32 tuổi) chở vợ Nguyễn Thị Kim Ngọc (27 tuổi) bằng xe máy đến Bệnh viện (BV) ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang để sinh cháu thứ 2.

Cháu Huy và anh Nam khi được xuất viện.

Trên đường đi, bất ngờ một chiếc xe bồn từ phía sau chồm tới, chị Ngọc bị xe cán tử vong tại chỗ. Thai nhi là cháu Huy văng khỏi bụng mẹ cách xa 6 - 7 mét với một chân bị đứt lìa, dập nát. Bé được người dân đưa đến bệnh viện  địa phương cấp cứu, sau đó chuyển về BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Sự bình phục của cậu bé sau phẫu thuật là ngoài sức tưởng tượng của các bác sĩ (BS). Chỉ có phép màu mới làm nên điều diệu kỳ ấy. Anh Nam cũng bị xe cán nát chân phải, buộc phải tháo khớp sau đó lắp chân giả tại BV Chợ Rẫy.

Từ Ban lãnh đạo tới toàn thể y, bác sĩ của BV đã nằm trong hệ thống vận hành, mọi qui trình đều trong tình trạng hoạt động 24/7. Cho tới ngày 18-11-2014, tức đúng 3 tuần sau khi bé Huy được phẫu thuật, BV Chợ Rẫy cũng điều trị và làm cho anh Nguyễn Văn Nam một cái chân giả. BV Nhi đồng 1 đã chuẩn bị chu đáo cho ngày trao lại đứa con cho anh Nam tại khuôn viên của BV Nhi đồng 1.

BS Khoa Chấn thương chỉnh hình Nguyễn Hồng Nhân, người trực tiếp nhận bé vào ngày 28-10-2014 kể: “Lúc bé Huy được đưa vào viện, ê kíp “trực chiến” từ siêu âm, đến gây mê, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật viên… lên tới 20 người đã có mặt. Vấn đề quan trọng là phải kẹp được động mạch đùi đang chảy máu với phần chân đã dập nát của bé. Trong 1 giờ, nếu chúng tôi không kẹp được động mạch đùi cho bé cũng có nghĩa không thể giữ được sinh mạng cho bé do mất quá nhiều máu”.

Hình ảnh mới nhất về bé Quốc Huy tại quê nhà An Giang.

Th.S, BS Hồ Tấn Thanh Bình, Phó khoa Hồi sức sơ sinh của BV thì trầm ngâm: “Bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm của các BS còn là sức sống mãnh liệt trong chính bản thân bé. Hầu hết trẻ khi chào đời, để thở hơi thở đầu tiên của cuộc đời, để cất tiếng khóc, đều cần có hỗ trợ. Bé Huy trong hoàn cảnh ngặt nghèo, giữa lằn ranh sinh tử ấy đã tự thở được để sống! Cho tới các giai đoạn điều trị cho bé sau này, từ việc cai máy thở, tập ăn miếng sữa đầu tiên, tới khi lắp chân giả, tập vật lý trị liệu để đi bằng chân giả, bé đều “hợp tác” và tự làm rất tốt. Đó chỉ có thể nói là nhờ sự nhiệm màu của cuộc sống, nhờ bản năng sinh tồn của con người”.

Tạo được đoạn mỏm cụt để sau này lắp chân giả cho bé Huy cũng là việc rất khó khăn. Với trẻ sơ sinh, mỏm cụt còn phải đảm bảo thích nghi theo sự lớn lên của cơ thể bé. Nhưng khi bị tai nạn, bé bị mất da, không đủ da để che được kín vùng mỏm cụt, các BS đã phải tái tạo một miếng da bị đứt lìa của chân bị thương, ghép lại vào mỏm cụt. Chỉ có những đôi tay vàng, khối óc và con tim cùng tình thương với bé mà mỏm cụt đã được phủ đầy… da. Và miếng da ghép ấy đã “sống”, phục hồi mạnh mẽ. Ngày thứ 4 sau mổ, bé đã tự thở được, thở đều, thở khoẻ và mạnh mẽ. Ngày thứ 6 bé bắt đầu ăn miếng sữa đầu đời. Các bác sĩ reo lên vì sung sướng: Con sống rồi!…

Ngày 28-11-2014, khi bé Huy được xuất viện về cùng bố, BV đã trao tận tay hai cha con một sổ tiết kiệm hơn 1,6 tỷ đồng, là tiền hỗ trợ của bà con xa gần, trong và ngoài nước gửi tới cho bé . Khi cháu Huy vừa tròn 1 tuổi, anh Nam cho biết, số tiền gia đình nhận được đã là hơn 4 tỷ đồng. Anh Nam xúc động: “Bệnh viện đã tận tâm cứu cháu, bà con đã giúp đỡ cháu và gia đình tôi quá nhiều. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn. Tôi và gia đình sẽ cố gắng chăm lo tốt để cháu ăn học thành tài”.

Ngày 23-12-2015, anh Nguyễn Văn Nam cho biết, anh đã đưa 2 con từ nhà ngoại ở huyện Thoại Sơn (An Giang) về quê nội ở huyện Chợ Mới. Bé Nguyễn Quốc Huy nay đã tròn 14 tháng tuổi, vẫn đang rất cố gắng tập đi bằng chân giả. Cháu đã có thể vịn vào dụng cụ hỗ trợ đi được 20 mét. Cháu cân nặng hơn 9kg, rất hiếu động, và đang tập nói. Chị gái của Huy là bé Kim Huyền nay được 6 tuổi, đang học tiểu học ở trường gần nhà.

Mỗi sáng, người cha ấy với một cái chân giả trở dậy từ lúc 5h sáng, xuống bếp nấu đồ ăn sáng cho 3 cha con. Anh Nam kể, bé Huy ăn rất tốt, khoảng 20 phút là xong một chén cháo to.

Bé Nguyễn Quốc Huy được coi là trường hợp sống sót diệu kỳ không chỉ của Việt Nam, mà còn rất hiếm gặp trong Y văn. Bé Huy ra đời và được sống cũng là kỳ tích của ngành y, và cũng là nhờ sức sống của tình người.

Huyền Nga
.
.
.