Thuốc diệt muỗi SXH ở Hà Nội chỉ có tác dụng 1 tiếng sau phun

Thứ Sáu, 25/08/2017, 10:27
Chiều 24-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê bình Trung tâm Y tế dự phòng đã chậm trễ, chủ quan trong công tác phòng sốt xuất huyết.

Tại cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện về chống sốt xuất huyết chiều 24-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê bình Trung tâm Y tế dự phòng đã chậm trễ, chủ quan trong công tác phòng sốt xuất huyết, đồng thời yêu cầu lực lượng xung kích diệt bọ gậy đi từng nhà, rà từng hộ, từng công trình, làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, tình hình sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dù dịch đang đi ngang nhưng số biểu đồ dịch chưa có dấu hiệu chững lại.

Nhìn nhận về thực trạng này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, ca mắc SXH đầu tiên ở Hà Nội vào tháng 1-2017, dịch bệnh đến sớm hơn mọi năm nhưng công tác nắm tình hình, dự báo, phối hợp với các đơn vị khác của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và ngành y tế triển khai muộn.

Thuốc phun chống SXH ở Hà Nội chỉ có tác dụng 1 tiếng sau phun.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trả lời về băn khoăn, phản ánh của người dân, báo chí về việc phun hóa chất diệt muỗi mà muỗi không chết, như vậy thuốc có đảm bảo chất lượng?

Báo cáo về việc này, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm thông tin: Hiện nay, Hà Nội sử dụng thuốc sản xuất trong nước, đã được Bộ Y tế công nhận. Đây là loại thuốc phun không gian. Muỗi đang hoạt động gặp hóa chất là chết. Thuốc chỉ có tác dụng 1 tiếng đồng hồ. Thời gian sau muỗi vào thì không chết. Đáng lưu ý, thuốc chỉ diệt muỗi mang virus SXH, các loại muỗi mang mầm bệnh khác sẽ không chết.

“Ngành y tế phải kiểm tra thường xuyên xem thuốc có được pha đúng liều lượng không. Thuốc chỉ có tác dụng trong một giờ thì cần kiểm tra xem xét lại. Nếu cần thiết thì đổi loại khác”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của SXH tại Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội đánh giá, với những điểm mới phát sinh ổ dịch, nếu không làm quyết liệt sẽ có nguy cơ lan rộng, nhất là trong diễn biến thời tiết mưa nhiều và khi 1,8 triệu học sinh, sinh viên chuẩn bị vào năm học mới.

“Đến 5-9, phải hoàn thành phun thuốc 3 lần ở 2.669 trường học, các nơi cư trú của sinh viên. Cùng với đó, cần chú trọng phun thuốc ở các chợ, bệnh viện, trung tâm thể thao, các điểm công cộng. Các cơ quan đóng trên địa bàn đều phải phun thuốc”, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu.

Theo đó, Sở Y tế, Thành đoàn Hà Nội phối hợp đưa lực lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ngành y tham gia để công tác tuyên truyền, hướng dẫn chống dịch hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần cử lực lượng Cảnh sát khu vực, dân phố, dân phòng tham gia tổ xung kích diệt bọ gậy đến từng nhà, rà từng hộ, từng công trình, làm đến đâu dứt điểm đến đó, làm đi làm lại đến lúc yên tâm mới thôi.

Lãnh đạo thành phố, quận, huyện phải thường xuyên kiểm tra đột xuất từng khâu, từng người trong công tác phòng chống dịch bệnh…
C.Linh
.
.
.