Bảo hiểm y tế đã chi trả hơn 82 tỷ đồng cho sốt xuất huyết

Thứ Tư, 23/08/2017, 20:24
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến tuần này, Hà Nội đã vượt qua TP. Hồ Chí Minh để trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số người mắc sốt xuất huyết (SXH) với xấp xỉ 20.000 người bệnh.


Trên bản đồ dịch tễ, tuần trước, Hà Nội có 12 quận, huyện nằm trong danh sách báo động đỏ, thì đến nay, đã là 14 quận, huyện. 

Theo bà Đặng Kim Hạnh, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội), kết quả giám sát tình hình SXH tại Hà Nội cho thấy tỉ lệ nhân viên văn phòng mắc bệnh SXH chiếm nhiều nhất, tới 34%. Tiếp đó là các đối tượng gồm học sinh (24%), sinh viên (18%), lao động tự do (9%), hưu trí (7%), công-nông dân (4%), trẻ em (4%).

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thật sự ý thức về việc phòng chống dịch này, dù bệnh chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Có thể nhiều người cho rằng, SXH không đáng sợ, không đáng lo vì chỉ sốt nhẹ rồi thôi. Nhưng trên thực tế, mắc SXH sẽ gây nhiều thiệt hại về kinh tế nếu bị mắc, hoặc gia đình có người mắc SXH, nên không biết được lợi ích và ý nghĩa của công tác phòng bệnh.

Thực tế, một điều tra của Bộ Y tế cho thấy chi phí cho một bệnh nhân SXH từ 900.000 đến 3.000.000 đồng, tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh. Tuy nhiên, trao đổi với các bệnh nhân nằm tại BV bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn cho thấy chi phí đa số tới 4-5 triệu, có gia đình tới 10 triệu cho một ca SXH. Tuy nhiên, những người có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả cơ bản.

Chưa kể, khi mắc bệnh SXH, người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh. Gánh nặng kinh tế, xã hội người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Sốt xuất huyết làm tăng chi phí BHYT

Nghiên cứu của Bộ Y tế ở một số bệnh viện đã chỉ ra, trung bình mỗi người bị bệnh SXH sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân cũng phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày. Chưa kể, người bệnh SXH sẽ còn phải chi trả nhiều khoản cho y tế như khám, xét nghiệm, điều trị, rồi chi phí cho mua vật dụng, đi lại, chi cho người chăm sóc và chi phí bị mất do nghỉ việc và rất nhiều các khoản chi phí khác nữa. Bên cạnh đó còn chi phí của Nhà nước để duy trì hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh.

Việc số người mắc SXH tăng mạnh như hiện nay đã khiến tăng số người vào BV, gây quá tải ở nhiều cơ sở y tế, làm tăng gánh  nặng cho công tác điều trị, gánh nặng kinh tế và sức lao động của người dân. Điều này, khiến cho nhiều người bệnh nặng không được chăm sóc chu đáo như cần có.

Dịch SXH năm nay cũng đã khiến BHYT phải dành một khoản chi phí không nhỏ cho các bệnh nhân SXH. Theo Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc của BHXH Việt Nam cho biết, chỉ từ tháng 5 đến đầu tháng 8-2017, cả nước đã có 93.126 lượt bệnh nhân SXH được thanh toán khám, chữa bệnh BHYT với số tổng số tiền trên 82,2 tỷ đồng. 

Riêng tháng 7 vừa qua, dịch SXH bùng phát mạnh nhất với 38.967 lượt bệnh nhân, khiến chi trả từ BHYT cũng tăng tới hơn 36,9 tỷ đồng. Trong đó, các tỉnh, thành phố có số bệnh nhân SXH nhiều nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương …. Tổng số chi trả từ Quỹ BHYT điều trị SXH tại các tỉnh, thành phố này lần lượt là 29,8 tỷ đồng; 10,06 tỷ đồng; 5,54 tỷ đồng, còn con số trong tháng 8-2017 chưa có.


Thanh Hằng
.
.
.