Nhiều trẻ miền Nam nhập viện vì… trời lạnh

Thứ Năm, 18/02/2016, 20:23
Theo Trưởng khoa hô hấp bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. TS.BS Trần Anh Tuấn, cho biết, từ cuối tháng 12/2015 tới nay, nhất là trong dịp Tết Bính Thân, Sài Gòn chịu một đợt không khí lạnh nhất trong vòng 17 năm qua, là nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp phải nhập viện gia tăng.


Nổi cộm là các trường hợp bị viêm tiểu phế quản do vi rút RSV tấn công. Bệnh tăng một phần do phụ huynh chủ quan, không nhận biết được bệnh, tác hại cũng như cách phòng tránh cho trẻ.

Trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản phải thở  oxy tại BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh

Được biết, từ dịp Tết tới nay, khoa Hô hấp BV này vẫn có tới gần 300  trẻ nằm nội trú với 85 ca bị viêm tiểu phế quản, 114 ca bị viêm phổi, khoảng 50 ca ngoại trú cũng do viêm tiểu phế quản là chủ yếu.

BS Tuấn phân tích: Thời tiết lạnh sẽ thuận lợi cho việc phát triển của nhiều vi rút khác nhau. Ngoài vi rút gây bệnh cảm, sốt nhẹ là bệnh thông thường mà trẻ hay mắc, thoáng qua, tự khỏi còn có những vi rút gây cảm cúm phải nhập viện, điển hình là vi rút hợp bào (tên Tiếng Anh viết tắt: RSV), thường gây lây lan cho nhiều trẻ.

Nguyên nhân là khi bị nhiễm vi rút RSV, ở người lớn, hay ở trẻ lớn chỉ gây cảm, ho thông thường, nên bị chủ quan, điều trị bằng cách tự mua thuốc, vi rút không được điều trị dứt điểm, vô tình trở thành mầm bệnh trung gian, lây sang trẻ lành.

Nguy hiểm ở chỗ, khi bị vi rút RSV xâm nhập cơ thể, ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có tới 90% trẻ bị nhiễm sẽ mắc bệnh viêm tiểu phế quản. Nhất là trẻ 2-3 tháng tuổi, khi bị viêm tiểu phế quản do vi rút RSV thường bệnh rất nặng, cứ 3 trẻ mắc bệnh, sẽ có 1 trẻ phải cấp cứu, thở o xy.

Ở những trẻ có bệnh mãn tính như: tim bẩm sinh, bệnh não, bệnh suy giảm miễn dịch, trẻ sinh non…thì khi thêm viêm tiểu phế quản, bệnh sẽ nặng hơn gấp 10 lần so với trẻ bình thường.

Chích ngừa vắc xin đầy đủ giảm được tới 50% nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, bệnh lý hô hấp nói chung.

Ghi nhận tại khoa Hô hấp từ Tết tới nay, số trẻ điều trị trong khoa đã lên đến khoảng 300 trẻ/ngày nằm nội trú, trong đó, có gần 50% là trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi.

Trời lạnh cũng khiến số các bé có bệnh hen suyễn lên cơn đột ngột phải nhập viện cấp cứu. Theo phân tích của các bác sĩ, do thời tiết thay đổi đột ngột làm đường thở của bé bị kích thích và lên cơn suyễn.

Ngoài ra bệnh suyễn tái phát cũng do trẻ bị bệnh hô hấp do nhiễm vi rút RSV.

Cũng theo phân tích của BS Tuấn, hơn 100 trường hợp viêm phổi đang nằm trong khoa từ Tết cho tới nay, cho thấy, dù đã có nhiều loại kháng sinh để trị bệnh này nhưng viêm phổi vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ trong các bệnh về đường hô hấp và 95% là rơi vào trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Trời lạnh đột ngột, gia tăng trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp.

Cũng theo bác sĩ  Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, ngay trong dịp Tết tới nay, trong BV, ngoài số trẻ mắc bệnh hô hấp, bệnh viêm tiểu phế quản, còn có tới 6 trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng, trong đó có 3 bé phải thở máy, 2 bé phải mở nội khí quản.

Ngoài ra, những ngày Tết khi cùng gia đình đi chơi, chúc Tết, nhiều bà mẹ không dự phòng áo ấm cho con, thời tiết từ chiều tới đêm, trở lạnh đột ngột khiến nhiều trẻ mắc bệnh “viêm thanh quản cấp” cũng là nguyên nhân làm vướng bận các bác sĩ Nhi.

Các trường hợp trẻ bị bệnh này thường bị ho dai dẳng, khàn tiếng. Có những trường hợp bị nặng khi nhập viện trong tình trạng khó thở. Đặc biệt, 1 trường hợp là bé gái 11 tuổi, ngụ tại thành phố Sa Đéc – Đồng Tháp do gia đình mải bận lo việc Tết, thấy con sốt nhẹ nên tự mua thuốc cho uống mà không nhận ra đã bị sốt xuất huyết.

Khi nhập viện vào chiều 30 Tết là ngày thứ 5 của bệnh, bé đã trong tình trạng chân, tay lạnh, ói ra máu, xuất huyết nội tạng, nguy kịch. Ngày 18/2, sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, hiện, bệnh nhi này đã được tạm ổn, xuất viện…

Cũng theo BS Anh Tuấn, các Chuyên gia Hô hấp trên Thế giới đã chỉ ra rằng, cách phòng ngừa duy nhất cho bệnh lý hô hấp là việc chăm rửa tay.

Box: vi rút đường hô hấp (RSV) nhưng đường lây chủ đạo là bàn tay nhiễm bẩn ở người chăm sóc trẻ. Ngay cả trong môi trường BV, biện pháp rửa tay sạch cũng cần được coi trọng hàng đầu. Virut lan truyền từ người này sang người khác do ho hay hắt hơi. Khi một người bị nhiễm virut thì khoảng 7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Nhưng 1 ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm đã phát tán vi rut ra xung quanh trong suốt 7 ngày trước đó và vi rút có thể tồn tại từ 2 - 8 giờ sau khi bám vào các bề mặt đồ vật.

Huyền Nga
.
.
.