Thời tiết nồm ẩm, bùng phát bệnh hô hấp

Thứ Năm, 12/03/2015, 09:09
Thời tiết ẩm ướt của mùa xuân là nguyên nhân khiến con người dễ mắc một số bệnh chữa trị lâu ngày không khỏi như viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi xoang dị ứng, viêm đường hô hấp… Từ Tết ra đến nay, thời tiết miền Bắc đổ mưa phùn, độ ẩm cao, dẫn tới nồm, nấm mốc xuất hiện và cũng khiến cho việc điều trị các bệnh này dai dẳng hơn. Đặc biệt, nhiều người Hà Nội bị ho kéo dài, uống, tiêm kháng sinh vẫn không khỏi.

Tự uống thuốc, khi nặng mới tới viện

Phòng cấp cứu nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn (Hà Nội), mấy ngày nay lúc nào cũng chật cứng vì lượng bệnh nhân vào khám cấp cứu đông. Năm nay, những bệnh thường gặp vào mùa xuân như viêm đường hô hấp, viêm phế quản cấp và mạn tính, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiêu hóa vào cấp cứu đông hơn mọi năm. Các giường tiêm, truyền dịch không còn chỗ trống.

Ở đây, chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân đến tiêm vì bị viêm phế quản cấp. Ai cũng ho đến đỏ mặt tía tai. Điển hình là chị Trần Thị Thơm, ở quận Tây Hồ, được bác sĩ chỉ định tiêm thuốc kháng sinh Beesencef 7 ngày sau khi đã uống hết một đợt kháng sinh kéo dài một tuần mà không khỏi. Theo lời kể của chị Thơm thì chị bị nhiễm lạnh và ngấm mưa từ trước Tết. Khi có triệu chứng đau họng kèm theo đờm, chị đã tự đi mua thuốc kháng sinh về uống. Hai ngày không thấy đỡ, chị lại tiếp tục mua thêm 5 ngày kháng sinh uống kèm với thuốc chống viêm và long đờm. Nhưng đến ngày thứ 4 thì bệnh đã ở thể nặng, ho như rút ruột, nhất là về đêm. Ngày 29 Tết, chị vội vàng vào Phòng khám cấp cứu nội của Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn. Sau khi thử máu, chụp X-quang phổi, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm phế quản cấp và kê một đơn thuốc uống trong 7 ngày với 2 loại kháng sinh phối hợp liều cao cùng với 3 loại thuốc khác.

“Tôi uống đến ngày thứ 4 vẫn không thấy đỡ, ho suốt đêm không ngủ được” – chị Thơm cho biết. Sau 7 ngày uống kháng sinh, chị không khỏi, chị tái khám và được bác sĩ chỉ định tiếp tục tiêm 7 ngày kháng sinh. Tuy nhiên, theo chị thì dù đã tiêm đến ngày thứ 7 nhưng chị chỉ đỡ chứ chưa khỏi. Họng chị vẫn ngứa và vẫn ho khiến chị khá lo lắng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Khoa khám nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn, thì chị Thơm có thể bị nhiễm virus nên việc điều trị kéo dài. Giống chị Thơm, nhiều bệnh nhân vào khám cấp cứu mà chúng tôi gặp đều ho kéo dài, uống kháng sinh không khỏi và phải dùng đến đường tiêm. Có người ho dai dẳng đến 2 tháng nay vẫn chưa khỏi. Trường hợp điển hình là anh Phạm Hữu Trung, ở phường Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Anh Trung cũng đã uống kháng sinh, tiêm kháng sinh nhưng vẫn còn ho.

Bệnh nhi phải cấp cứu vì khó thở ở Bệnh viện Xanh Pôn.

Phòng tránh bệnh cho cả người lớn và trẻ em

Trẻ em bị viêm đường hô hấp, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm mũi xoang đến khám ở các bệnh viện tại Hà Nội tăng đột biến. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhi đến điều trị tăng từ 20-30% trong hơn một tuần trở lại đây.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, thì chủ yếu bệnh nhi vào điều trị là do viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nguyên nhân là thời tiết mưa phùn, ẩm mốc kéo dài, dẫn tới trẻ dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt là thời tiết đã làm tăng nấm mốc trong nhà, trên tường và với trẻ có cơ địa dị ứng rất dễ tái phát. Ho nhiều khiến họng trẻ sưng, phù nề đường thở gây ra khó thở, trong khi bệnh lại không đặc hiệu với kháng sinh nên phải điều trị kiên trì, tái khám.

Tại Khoa Khám cấp cứu nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn, trung bình một ngày có hơn 300 bệnh nhi đến khám, tăng khoảng 30% so với trước Tết. Có bệnh nhi vào viện tới tình trạng ho rút, khó thở và bác sĩ phải cho thở ôxy ngay. Có bệnh nhi tái khám đến lần thứ ba mà vẫn còn ngạt mũi, khó thở. Cháu Bùi Nhật Minh ở quận Tây Hồ sau nhiều lần khám viêm mũi dị ứng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn không khỏi, gia đình đã đưa cháu lên Bệnh viện Việt Nam – Cuba khám nội soi, bác sĩ kết luận là viêm mũi xoang. “Cháu uống đơn thuốc thứ 2 ở đây rồi mới thấy đỡ”- mẹ cháu phản ánh. Thời tiết vẫn tiếp tục mưa phùn, độ ẩm tăng cao càng làm nguy cơ mắc bệnh tăng nhanh và điều trị dai dẳng.

Lạm dụng thuốc kháng sinh, tự mua kháng sinh về uống đã dẫn tới việc điều trị bệnh của nhiều người kéo dài, khó khỏi, thậm chí bệnh lại không đặc hiệu với kháng sinh. Như thông lệ hằng năm, mưa phùn dễ gây ra ẩm mốc trên tường nhà, các đồ vật trong nhà, đây là điều kiện lý tưởng để cho virus sinh sôi, phát triển. Để phòng tránh bệnh, phụ huynh nên sấy khô quần áo cho trẻ, giữ ấm cơ thể, thay ga giường, gối thường xuyên, vệ sinh nhà sạch nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Bác sĩ cũng khuyến cáo, mưa phùn, ẩm ướt cũng là nguyên nhân nhiều bệnh nhân vào cấp cứu vì nhiễm trùng đường tiêu hóa nên người dân phải vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn, uống và bảo quản thực phẩm để tránh hỏng, nhiễm nấm mốc.

Theo lời khuyên của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thì với thời tiết ẩm mốc như hiện nay, khi người bệnh có dấu hiệu đau rát họng, ho, hắt hơi, xổ mũi… phải đến cơ sở y tế thăm khám để bác sỹ kê đơn, tránh tự mua thuốc, bởi lạm dụng thuốc, đặc biệt là với kháng sinh sẽ dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh, lúc đó sẽ rất khó khăn cho điều trị của bác sĩ và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn  (Hà Nội) thì người bệnh viêm phế quản, viêm họng, ho kéo dài, trong quá trình điều trị thuốc thì phải uống thật nhiều nước (trên 2 lít đến 3 lít/ngày), bởi nước sẽ nhanh chóng làm tan đờm và đẩy đờm ra ngoài. Người hay mắc bệnh này luôn luôn phải giữ ấm cổ, ngay cả khi đi ngủ cũng phải quàng chiếc khăn nhẹ trên cổ.

Anh Thư
.
.
.