Người hiến tạng dù có hay chưa có thẻ vẫn được hưởng bảo hiểm y tế

Thứ Ba, 28/06/2016, 17:55
Bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan mật thiết đến quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB). Thế nhưng không phải ai cũng hiểu đầy đủ về vấn đề này, nên nhiều khi thiệt thòi khi đi KCB.

Vì thế, nhằm giúp người dân có thêm các thông tin đầy đủ về chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) và Vụ BHYT (Bộ Y tế) đã có buổi giao lưu với bạn đọc về nội dung này vào ngày 28-6, tại Hà Nội.

Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu khi đi KCB tại tuyến huyện thì số tiền tối đa được hưởng 100% là 15% lương cơ sở được áp dụng tại tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện hay chỉ một số nơi; hay nếu vượt qua số tiền trên thì đồng chi trả theo tỷ lệ nào.

Về vấn đề này, đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ, thì tất cả các trường hợp KCB BHYT tại các cơ sở đều có chi phí thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện là 1.210.000 đồng). Nếu mức chi trả cho một lần khám bệnh (kể cả chi phí KCB đối với bệnh tiểu đường) lớn hơn mức chi trả trê,n thì đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm nào khi KCB đúng quy định, sẽ được hưởng theo mức cùng chi trả thấp nhất là 5% và cao nhất là 20% chi phí KCB.

Chi phí của người bệnh ung thư rất lớn, nhưng vẫn được BHYT chi trả nếu tham gia BHYT.

Luật BHYT qui định những trường hợp không được BHYT chi trả, trong đó sử dụng dịch vụ thẩm mỹ, nhưng vẫn có nơi cho hưởng, có nơi không cho hưởng BHYT vì cho rằng là thẩm mỹ. Vì thế, nhiều người đề nghị BHT cần qui định danh mục nào là thẩm mỹ để tuyên truyền công khai cho người dân, tránh mơ hồ, khiến mỗi nơi hiểu một khác, gây khó chịu cho người có thẻ BHYT khi đi bệnh viện.

Về lĩnh vực này, đại diện Vụ BHYT cho biết, lấy cao răng và đánh bóng hai hàm (để điều trị viêm nha chu) được coi là dịch vụ để vệ sinh điều trị các bệnh răng miệng, vì vậy được quỹ BHYT thanh toán. Trường hợp nhổ răng lệch, răng khểnh có ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai hoặc bệnh lý khác của răng và khi có chỉ định của bác sỹ thì cũng được quỹ BHYT thanh toán. Đốt mụn cóc, sẹo lồi, cắt lọc sẹo lồi vết mổ khâu lại thì có hai khả năng: trường hợp đốt mụn cóc, sẹo lồi, cắt lọc sẹo lồi vết mổ khâu theo yêu cầu chuyên môn để điều trị mụn cóc, khâu lại vết mổ thì được quỹ BHYT thanh toán. Còn trường hợp sẹo lồi do cơ địa, sẹo lồi sau phẫu thuật nhưng không gây ảnh hưởng đến chức năng, gây đau đớn cho người bệnh, nếu người bệnh có yêu cầu làm đẹp thì thuộc lĩnh vực thẩm mỹ, nên không được quỹ BHYT thanh toán.

Với những trường hợp được chẩn đoán bị ung thư, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXHVN cho biết, theo quy định tại Luật BHYT bổ sung sửa đổi, thì những người lao động tham gia BHYT lần đầu, hoặc tham gia liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT. Vì vậy, khi có thẻ BHYT thì người bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT. Dĩ nhiên, để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi điều trị ung thư vú thì người tham gia BHYT phải được cơ sở đăng ký KCB ban đầu chuyển lên tuyến KCB liền kề, hoặc tuyến cao hơn nếu tuyến liền kề không điều trị được.

Trong trường hợp người bị bệnh ung thư, đang điều trị hóa chất, bệnh viện thông báo không có thuốc đang điều trị mà gia đình tự mua thuốc thì có được thanh toán BHYT không? Với câu hỏi này, BHXHVN cho hay, trong trường hợp các thuốc, hóa chất thuộc phạm vi thanh toán BHYT thì sẽ được thanh toán BHYT.

Theo quy định tại Thông tư 40 thì cơ sở KCB cho người bệnh có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời phục vụ nhu cầu điều trị. Trong trường hợp cơ sở KCB không cung cấp đủ để người nhà bạn phải tự mua thuốc, thì phải mang hóa đơn mua thuốc đến cơ sở KCB, để cơ sở KCB thanh toán chi phí thuốc cho bạn và cơ quan BHXH sẽ thanh toán trả cơ sở KCB sau. Trường hợp các thuốc, hóa chất không thuộc phạm vi thanh toán BHYT thì không được thanh toán BHYT.

Người hiến tạng được hưởng BHYT dù đã tham gia BHYT hay chưa.

Trong trường hợp cấp cứu thì người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện sẽ được hưởng quyền lợi như KCB đúng tuyến. Trường hợp không cấp cứu có xuất trình thẻ BHYT tại bệnh viện tuyến trung ương sẽ được hưởng 40% chi phí KCB BHYT theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT. Bởi về nguyên tắc, bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân sẽ xác định tình trạng vào viện (cấp cứu hay không cấp cứu) của người bệnh và được ghi trong bệnh án.

Một vấn đề khá mới mẻ là BHYT cho những người hiến tạng đã được đặt ra. Về điều này, giải thích của đại diện BHXHVN có thể làm yên lòng những người hiến tạng, dù có hay chưa có BHYT: Trong trường hợp người hiến tạng chưa có thẻ BHYT, nhưng phải điều trị ngay sau khi hiến cho người khác, nên vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, phải có chữ ký của thủ trưởng cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể, cùng người hiến tạng, hoặc thân nhân của người hiến tạng trong hồ sơ bệnh án mới có thể thanh toán BHYT.

Cơ sở y tế nơi lấy tạng của người hiến có trách nhiệm tổng hợp danh sách và chi phí KCB chuyển cho cơ quan BHXH có ký hợp đồng với cơ sở y tế để làm thủ tục cấp thẻ BHYT và thanh toán chi phí KCB của ông. Trên giấy ra viện ghi rõ "đã hiến bộ phận cơ thể". Cơ quan BHXH  sẽ căn cứ giấy ra viện để cấp thẻ BHYT cho người hiến và thông báo cho UBND cấp xã nơi người hiến cư trú, để lập danh sách cấp thẻ BHYT cho những lần tiếp theo.

Thanh Hằng
.
.
.