Từ 1-3, tăng giá viện phí: Người có thẻ bảo hiểm y tế được lợi

Thứ Sáu, 19/02/2016, 09:50
Từ ngày 1-3, giá 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tăng 30% so với mức giá hiện nay.

Mức giá của các dịch vụ y tế sẽ gồm: Chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Còn từ 1-7-2016 sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế. Thời điểm thực hiện cụ thể của các đơn vị, địa phương sẽ do Bộ Y tế xem xét, quyết định. Như vậy, so với mức giá hiện hành, từ ngày 1-3, giá các dịch vụ y tế sẽ tăng bình quân 30% và từ ngày 1-7 sẽ tăng bình quân 50%. Với các bệnh viện tuyến Trung ương đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn như Bệnh viện  Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Phụ sản Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, mức thu viện phí sẽ tăng tối thiểu 50%.

Tăng giá viện phí, người có bảo hiểm y tế không bị ảnh hưởng.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho hay, việc tăng giá này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ mà thực chất là chuyển các khoản chi trước đây của nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Với quan điểm tính đúng, tính đủ, mức thu mới sẽ bao gồm các chi phí về phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và các bệnh viện tự chủ tài chính sẽ đưa thêm lương thầy thuốc vào viện phí. Vì thế, so với mức giá hiện nay, viện phí cho các ca phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng thêm từ 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca và tiền khám thông thường sẽ tăng 3-4 lần; tiền ngày giường sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Để không ảnh hưởng đến người bệnh, việc tăng viện phí trước mắt sẽ áp dụng ở nhóm bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Còn với nhóm bệnh nhân chi trả viện phí trực tiếp sẽ được xem xét quyết định về thời điểm áp dụng viện phí mới sau.

Sau khi áp dụng mức viện phí mới, các bệnh viện sẽ có 3 mức giá: Viện phí cho bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và dịch vụ y tế cho nhóm chi trả trực tiếp. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải công khai các mức viện phí, để người dân hiểu và thực hiện theo yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì những người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng lợi, vì trước hết được hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn, mà không phải bỏ tiền túi ra do có bảo hiểm y tế chi trả. Hiện nay, khoảng 70% dân số nước ta đã có thẻ BHYT. Trong đó, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng. Đối tượng là người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT. Khi đi khám, chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%).

Bộ Y tế khẳng định việc điều chỉnh giá dịch vụ những người có thẻ BHYT sẽ được lợi. 

Còn đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm.

Với những người chưa có BHYT, việc tăng giá dịch vụ y tế là một nỗi lo lớn. Dù trước mắt chỉ áp dụng với thanh toán BHYT, nên những người không có thẻ BHYT (khoảng 25% dân số) trước mắt chưa bị ảnh hưởng. Nhưng nếu không tham gia BHYT trong thời gian tới, nhóm đối tượng này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương đề nghị tỉnh thành nào chưa lập quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì cần lập ngay để hỗ trợ người nghèo, người bị bệnh dài ngày của địa phương đi khám chữa bệnh.

Với việc tăng giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế hy vọng sẽ góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Vì việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá sẽ làm thay đổi tư duy của cán bộ y tế. Trước đây tiền lương do ngân sách cấp, còn nay do quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh chi trả, nên các nhân viên y tế sẽ nhận thức được rằng chính bảo hiểm y tế và người bệnh trả lương cho họ, Từ đó phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thái độ phục vụ để thu hút bệnh nhân.

Thanh Hằng
.
.
.