Người dân tuân thủ các quy định, cùng Chính phủ đánh thắng "trận chiến COVID-19"

Thứ Sáu, 27/03/2020, 20:16
Trong 15 ngày tới là thời điểm quyết định sự thành bại của "trận chiến COVID-19" vì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao. Từ 0h ngày 28/3, người từ 60 tuổi cần thực hiện nghiêm ngặt theo khuyến cáo, tuyệt đối ở trong nhà, mọi người không tụ tập, hạn chế ra ngoài, nếu không dịch sẽ lây lan theo cấp số nhân. 

Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đặc biệt 15 ngày nữa là giai đoạn sống còn, quyết định tới sự thành bại của trận chiến vì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao. 

Từ 0h ngày 28/3, thực hiện quy định bắt buộc, các địa phương tạm dừng tất cả hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người, riêng khu vực bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, cấm tụ tập nhiều hơn 10 người. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như vũ trường, cafe, ăn uống, quán bia, vui chơi, rạp chiếu phim… hạn chế hoạt động của các phương tiện công cộng, hạn chế bay từ các thành phố lớn trong nước đến các tỉnh khác. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng: " Bộ Y tế, Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh như vậy vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng tụ tập đông người ở đám ma, đám cưới, quán ăn uống, nghi lễ tôn giáo…Trong khi dịch COVID-19 nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng qua các ca siêu lây nhiễm như bệnh nhân 17, bệnh nhân 34.....Những ngày qua, đã có gần 10 bệnh nhân di chuyển tới nhiều địa điểm ở cộng đồng"

Theo ông Phu, nguy hiểm ở chỗ, khi lây ra cộng đồng, nếu mất dấu không quản được người mắc bệnh ban đầu – F0 thì dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lây cho nhiều người khác theo cấp số nhân. Nếu tiếp tục không khoanh được F1, F2 thì nhiều người sẽ trở thành F0 bất cứ lúc nào.

Người dân đi chợ phải đeo khẩu trang để phòng chống bệnh dịch

Do vậy, để đảm bảo an toàn, người dân phải hạn chế ra ngoài nếu không có việc cấp thiết, khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, khi về phải rửa tay bằng xà phòng trước khi cho lên mắt, mũi, miệng, sờ nắm vào các vật dụng…

Khi người dân thực hiện hạn chế đi lại tốt, số ca lây nhiễm trong cộng đồng sẽ giảm, giảm áp lực lên hệ thống y tế, để các bác sĩ có thời gian tập trung điều trị cho những bệnh nhân nặng. Người dân cùng các cấp chính quyền cùng đồng lòng nghiêm ngặt thực hiện quy định, góp phần cùng với Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đánh thắng trận chiến quyết định này.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường ĐH Quang Trung; nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trong giai đoạn quyết định chống dịch bắt đầu từ ngày 28/3, siêu thị, chợ dân sinh là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm vẫn hoạt động, nhưng đây là nơi tập trung đông người. Vì vậy các siêu thị phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người mua như: Yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang; có khẩu trang và nước rửa tay bán cho khách hàng; phải có biển báo tuyên truyền về phòng chống COVID-19; hàng tươi sống phải bao gói kín, tránh khách hàng vô tình ho hoặc sờ tay kiểm tra hàng rồi không mua; không tổ chức ăn uống ngay trong siêu thị…

PGS.TS Nguyễn Huy Nga

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, tại chợ dân sinh cũng như trong siêu thị, người bán và người mua phải đeo khẩu trang, đặc biệt người bán hàng cần phải được đeo găng tay. Các quầy hàng trong chợ dân sinh cần được bố trí khoảng cách ngồi xa nhau, tránh ken đặc. Giữa người mua và người bán, người bán với người bán cần giữ khoảng cách trên 2m. Khi về nhà cần rửa tay với xà phòng 6 bước ngay. Các bà nội trợ không nên đi chợ hàng ngày, thay vào đó đi chợ 1 lần mua nhiều đủ lượng dùng cho cả tuần, càng tránh ra ngoài tiếp xúc đông người càng hạn chế rủi ro lây nhiễm COVID-19.

Mỗi người dân cũng có ý thức tự “cách ly” như hạn chế tiếp xúc với người ngoài, đeo khẩu trang đúng cách, không ra ngoài nếu không có việc cấp thiết, sử dụng điện thoại, mạng xã hội để trao đổi với người khác, hạn chế gặp gỡ tiếp xúc…Bảo vệ chính chúng ta là bảo vệ cộng đồng, có thế, trận chiến chống COVID-19 mới thành công.


Tr.Hằng
.
.
.