Lo ngại biến chứng của dịch bệnh truyền nhiễm dịp cuối năm

Thứ Hai, 27/11/2017, 19:30
Các chuyên gia y tế cảnh báo diễn biến khó lường của dịch bệnh trong những tháng cuối năm, đồng thời lưu ý nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, các bệnh truyền nhiễm có thể biến chứng với nhiều hậu quả nghiêm trọng.



Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, số mắc sởi nhập viện đang tăng, cả trẻ em lẫn người lớn, không phân biệt giới tính. Anh Đ.V.T (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) là một trong những bệnh nhân này. Anh T.cho biết đã bị sởi 4 ngày, chỉ khi bị ho, phát ban khắp người kèm đau mắt, chảy nước mắt nhiều mới vào viện điều trị.

Theo TS. Đỗ Duy Cường –Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), bất cứ ai không có miễn dịch (chưa tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi. 

Trẻ em không được tiêm vaccine phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, thậm chí có thể tử vong. Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng nhiều nguy cơ. 

Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục từ 39 - 40 độ C. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho, tiêu chảy; có những chấm nhỏ màu đỏ, sung huyết trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to.

Không chỉ có nhiều bệnh nhân sởi, những ngày qua, BV Bạch Mai còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc quai bị. Chị P.T.H.H (35 tuổi, ở Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết chị bị sốt, đau đầu, sưng mang tai một tuần trước khi nhập viện. 

Trước đó con trai và chồng chị đều đã mắc quai bị, nhưng chị không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua kháng sinh về uống nhiều ngày vẫn không đỡ. Tới khi có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn thì chị mới vào viện. Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm xác định chị bị viêm màng não do virus.

TS. Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân bị sởi 

TS. Đỗ Duy Cường cho biết, quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo-virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh khi họ ho, hắt hơi. 

Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện bệnh cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh và thời gian ủ bệnh 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não...

“Teo tinh hoàn là nỗi lo lắng lớn nhất của nam giới trưởng thành khi mắc quai bị. Bởi khi virus tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Sau 7 ngày, dù không điều trị, phần lớn tinh hoàn cũng sẽ giảm sưng đau và trở về bình thường. Nếu được điều trị bằng các thuốc chống viêm, giảm đau, tình trạng sưng đau sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng biến chứng teo tinh hoàn về sau”-TS Cường nói.

Thời tiết thất thường hiện cũng là điều kiện cho dịch cúm phát triển. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân quan tâm phòng bệnh này, đặc biệt khi mới đây đã phát hiện virus cúm A(H7N9) độc lực cao có thể lây truyền và gây chết ở động vật. 

Việc có chủng độc lực cao của virus cúm A(H7N9) làm tăng nguy cơ lây lan virus cúm A(H7N9) lây truyền từ gia cầm sang người, bởi việc đào thải virus cúm A(H7N9) từ gia cầm cao hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với chủng virus độc lực thấp. Kết quả nghiên cứu của GS. Yoshihiro Kawaoka (Trường Đại học Tokyo) công bố vào tháng 10-2017 cho thấy chủng virus cúm A(H7N9) độc lực cao tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch” -Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.

Trong khi đó, Trung Quốc đã phát hiện gần 60 mẫu bệnh phẩm cúm A(H7N9) độc lực cao ở môi trường hoặc gia cầm và 25 mẫu bệnh phẩm trên người. Điều này rất đáng lo ngại khi việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam khá phổ biến, nhất là những tháng cuối năm.

Thanh Hằng
.
.
.