Dịch bệnh truyền nhiễm năm 2017 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp

Thứ Tư, 11/01/2017, 17:17
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân như sự giao lưu đi lại của người dân giữa các quốc gia, đô thị hóa rõ nét, biến đổi khí hậu và tập quán của người dân.

Đặc biệt, thời tiết mùa Đông –Xuân hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như bệnh sốt xuất huyết, Zika, cúm gia cầm, tay chân miệng... Do đó, công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh cần được các đơn vị y tế chú trọng.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng; phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý kịp thời.

Ngành y tế tiếp tục thực hiện việc giám sát trọng điểm cúm và hội chứng viêm phổi cấp để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế; phối hợp với Chi Cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chia sẻ thông tin và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, tạo môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp; giữ vệ sinh cá nhân phù hợp để chu động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, không để bệnh lây lan.

Năm 2016, Việt Nam ghi nhận 110.876 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 36 trường hợp tử vong. Về bệnh do vi rút Zika, tại Việt Nam, số trường hợp nhiễm vi rút Zika là 212 trường hợp tại 11 tỉnh, thành phố. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có số trường hợp mắc nhiều nhất; khu vực miền Bắc chưa ghi nhận trường hợp nào. Với bệnh tay chân miệng, năm 2016, Việt Nam ghi nhận 50.032 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó có 1 trường hơp tử vong. Đối với bệnh cúm, năm 2016, nước ta ghi nhận lưu hành của cúm A và cúm B, trong đó cúm A(H3) chiếm ưu thế. Cụ thể: cúm A(H3) chiếm 46,1%, cúm B chiếm 35,8%, cúm A(H1N1) chiếm 18,2%... Đặc biệt, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) và cúm A(H5N6).


HảiChâu
.
.
.