Kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim của Việt Nam lại tạo ấn tượng với quốc tế

Chủ Nhật, 11/06/2017, 18:40
Sau thành công tại hội nghị tim mạch tại Anh, kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ trên tim đập mà không có sự trợ giúp của robot của Việt Nam tiếp tục tạo được dấu ấn tại hội nghị phẫu thuật tim mạch và lồng ngực lần thứ 17 (ISMICS 2017) tại Roma -Italia diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10-6.


Việt Nam có 3 đơn vị tham dự hội nghị là Bệnh viện  E, Bệnh viện  Tim Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng chỉ có BV E có báo cáo được lựa chọn. 

Trở về từ hội nghị, chiều 11-6, GS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết ông đã trình bày các kết quả nghiên cứu ban đầu ở 50 bệnh nhân trong số hơn 400 ca phẫu thuật ít xâm lấn đã được phẫu thuật và điều trị thành công tại Bệnh viện E từ năm 2013 đến nay. 

GS.Thành trình bày tại hội nghị

Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện Bệnh viện E đã mổ thường quy kỹ thuật này. Bệnh nhân nhỏ nhất là 18 tháng tuổi, lớn nhất là 61 tuổi. Trong đó, đã mổ thành công cho bệnh nhi thông liên nhĩ bị lỗ thông lớn, gây tăng áp lực động mạch phổi, suy tim. 

Đặc biệt, tim của bệnh nhân vẫn đập trong quá trình mổ, nên hạn chế được nguy cơ suy tim và sau mổ, bệnh nhân hồi phục sớm, giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân như đau nhiều sau mổ, chảy máu, nhiễm trùng xương ức, sẹo xấu ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân sau mổ; đặc biệt là người bệnh thường bị nguy cơ biến dạng lồng ngực...

GS, Thành và các chuyên gia nước ngoài trao đổi về kỹ thuật mới

“Lần đầu tiên Việt Nam có một báo cáo khoa học chuyên đề khó như vậy và đã ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới” – GS. Fallot Chirag Dos – đại biểu đến từ Mỹ đã nhận xét và chúc mừng Việt Nam đã triển khai thành công kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ này bởi khắc phục được nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. 

GS. Lê Ngọc Thành thực hiện kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ trên tim đập mà không có sự trợ giúp của robot

Các chuyên gia nhiều nước cũng đã trao đổi với GS. Thành về những khó khăn trong quá trình phẫu thuật, khi các bác sĩ phải thực hiện trong điều kiện hạn chế không giống như mổ mở kinh điển. Từ đó, có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu trong thực hiện kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ trên tim đập mà không có sự trợ giúp của robot cho bất kỳ cơ sở y tế trên toàn thế giới nào muốn triển khai.

Thanh Hằng
.
.
.