Điều trị sớm sẽ nâng cao chất lượng sống của người mắc sa sút trí tuệ

Thứ Ba, 29/09/2020, 20:38
Sa sút trí tuệ không còn xa lạ với cuộc sống hiện đại, nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện. 


Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nên việc phát hiện bệnh sa sút trí tuệ cũng cao hơn. Trên thế giới, cứ 3 giây có 1 người mắc sa sút trí tuệ, có tới 60-80% người sa sút trí tuệ mắc bệnh Alzheimer – căn bệnh không thể chữa khỏi và là nguyên nhân thứ 6 dẫn đến tử vong trên thế giới. Ở Mỹ, hơn 5 triệu người mắc bệnh Alzheimer. Căn bệnh này không chỉ gây gánh nặng và kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.

Phát hiện sớm, hiệu quả điều trị càng cao

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2017 có 50 triệu người SSTT trên thế giới, ước tính đến năm 2030 sẽ rơi vào 80 triệu người và đến năm 2050 sẽ là 152 triệu người. Bệnh Alzheimer là bệnh phổ biến nhất, chiếm khoảng 60-70% trong các trường hợp này, sau đó là chứng mất trí nhớ mạch máu.

Các bác sĩ đang hướng dẫn người bệnh sa sút trí tuệ làm bài thực hành dán hình

Sa sút trí tuệ (SSTT) là bệnh não thoái hóa nguyên phát chưa rõ căn nguyên với biểu hiện đặc trưng là sự suy giảm nhiều chức năng cao cấp của vỏ não. Hậu quả gây ra những thay đổi về năng lực tinh thần, nhân cách và hành vi của một con người. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi trung niên. Nguyên nhân dẫn đến SSTT là do teo não lan tỏa; xuất hiện các mảng tơ thần kinh; giảm sút rõ rệt chất dẫn truyền thần kinh.

Tại Chương trình CLB Rối loạn lo âu với chủ đề “Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và dấu hiệu nhận biết sa sút trí tuệ” do Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức vào chiều 29/9, BSCKII Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng Khoa Điều trị Tâm thần người già cho biết, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng cao nên việc phát hiện bệnh SSTT cũng ngày một nhiều hơn. Trung bình 1 ngày, Viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân đến khám, trong đó có 1/3 bệnh nhân lớn tuổi, nhiều người mắc sa sút trí tuệ.

Theo Ths.Bs Bùi Văn San, Phó trưởng Khoa Điều trị Tâm thần người già, sa sút trí tuệ không còn xa lạ với cuộc sống hiện đại, nếu biết sớm, phòng và điều trị sớm thì chất lượng cuộc sống rất tốt. SSTT ngoài quên, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng ảnh đến cuộc sống.  

Các triệu chứng phát hiện sớm bệnh SSTT như: Một số người thay đổi nhận thức (trở lên khó tính hơn, tiếp cận thông tin mới khó hơn); mất nhớ (quên), giao tiếp kém; rối loạn tâm thần như loạn thần (hoang tưởng, ảo giác), đi langthang, kích động; ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như quên cách nấu ăn, nhầm lẫn và mất phương hướng… Đây là những triệu chứng sớm cần được phát hiện và điều trị.

BS San cũng cho biết, Viện hay tiếp nhận người già vào do bị rối loạn hành vi. Chẳng hạn có bệnh nhân nam, trải qua một trận tai biến, bệnh nhân liệt ½ người kèm theo rối loạn giấc ngủ, dẫn đến trí nhớ bị giảm sút, suốt ngày cáu, có biểu hiện hoang tưởng khi nghĩ đến gia đình có người đối xử không tốt với mình. “Bệnh nhân được người nhà phát hiện sớm và đưa đến Viện khám kịp thời. Tại đây, chúng tôi điều trị giấc ngủ cho bệnh nhân, sức khỏe và trí nhớ của người bệnh dần cải thiện và hồi phục tốt, trở về sống với gia đình bình thường, người bệnh thỉnh thoáng đến tái khám đều tốt”, BS San cho biết.

Cần sự quan tâm, chia sẻ của người trong gia đình

Theo BS San, không phải người bệnh SSTT nào cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình mà có người đến khám khi có triệu chứng nặng; hoặc cũng có người đến viện giai đoạn nhưng sau bỏ dở giữa chừng không điều trị, thậm chí có người tới khám nhưng không điều trị.

Người mắc sa sút trí tuệ nếu phát hiện sớm, điều trị sớm, chất lượng cuộc sống sẽ nâng cao

Theo Phó trưởng Khoa Điều trị Tâm thần người già cho hay, tuổi mắc bệnh SSTT trên 60 trở lên. Ở các thành phố lớn, bệnh nhân được phát hiện sớm do có tiếp cận với thông tin và kiến thức về bệnh nhiều hơn, nên chủ động đến khám.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh SSTT hay gặp nhất là Alzheimer. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất trí. Mặc dù không phải tất cả các nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer, các chuyên gia đều biết rằng một tỷ lệ nhỏ có liên quan đến đột biến của ba gen, có thể truyền từ cha mẹ sang con. Tuy nhiên, theo BS San, nếu phát hiện sớm thì điều trị phục hồi tốt. Nguyên nhân thứ hai là tổn thương não và thứ ba là chấn thương sọ não.

Theo BS San, SSTT có một số bệnh hồi phục được, ví dụ như bệnh điên não, thiếu vitamin B12. Điều trị bệnh SSTT có nhiều phương pháp như chăm sóc, điều trị dùng thuốc hay không dùng thuốc.

“Nếu phát hiện sớm, có thuốc hoặc hướng dẫn cách chung sống với bệnh thì tốc độ sa sút sẽ bớt đi. Những rắc rối do sa sút sẽ ít đi. Bệnh rất cần người thân trong gia đình hỗ trợ, chia sẻ. Có bệnh Alzheimer khi chúng tôi điều trị tư vấn cho người nhà, sau một thời gian người bệnh đã tốt hơn”, BS San nói.  

Viện Sức khỏe Tâm thần có nhiều chương trình, tờ rơi hướng dẫn cách chăm sóc người SSTT. Trong đó, người thân và gia đình của người bệnh đóng vai trò quan trọng để giúp người bệnh phục hồi như hằng ngày cho người bệnh Alzheimer tập nhận biết đồ vật, phân biệt, phân loại đồ vật, làm phép tính; tập hoạt động cho người bệnh để người bệnh sống độc lập, tránh phụ thuộc; tăng ký ức cho người bệnh bằng các cuộc nói chuyện về hoạt động trong quá khứ, sự kiện và kinh nghiệm cũ; tăng cường giao tiếp và tương tác, có thể bao gồm ca hát, lắng nghe nhạc, chơi một nhạc cụ…

Trần Hằng
.
.
.