Cứ 3 giây lại có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ

Thứ Ba, 09/04/2019, 17:40
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Sa sút trí tuệ trong bối cảnh già hoá dân số” do Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai tổ chức chiều 9-4.

TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng Phòng điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, định hướng, chú ý ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục...

Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60-80% tổng số bệnh nhân sa sút trí tuệ). Năm 2015, trên thế giới có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ (chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi). Ước tính cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ và số người mắc sa sút trí tuệ tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.

Bệnh nhân nam 68 tuổi bị sa sút trí tuệ đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần

 Tại Việt Nam đến nay chưa có thống kê đầy đủ về số người bệnh sa sút trí tuệ, tuy nhiên tại Viện Sức khỏe Tâm thần, số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng lên, đặc biệt là bệnh nhân nữ. Độ tuổi mắc sa sút trí tuệ ngày một trẻ hóa, đã có một số bệnh nhân 50 tuổi đến Viện khám và điều trị. Sa sút trí tuệ tạo ra gánh nặng cho gia đình, đặc biệt là gánh nặng cho người chăm sóc người bệnh. 

Trước thông tin nhiều người bệnh tự truyền thuốc bổ não để điều trị sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer, TS Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, thuốc bổ não chỉ hỗ trợ chứ không điều trị được bệnh. Bởi Alzheimer là bệnh thoái hóa não, điều trị chỉ làm giảm triệu chứng và giảm quá trình tiến triển của bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo khi có dấu hiệu sớm của sa sút trí tuệ, người bệnh cần được thăm khám để điều trị kịp thời

 Hiện có 4 loại thuốc điều trị sa sút trí tuệ được lưu hành trên thế giới, trong đó chỉ có 3 loại được lưu hành ở Việt Nam. Tất cả các loại thuốc người bệnh tự dùng nếu không phải các bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định và kê đơn, đó chỉ là thuốc hỗ trợ cho não chứ không phải thuốc điều trị bệnh Alzheimer.

Theo khuyến cáo của TS Phương, người bệnh sa sút trí tuệ có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý – hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tùy từng thể và từng giai đoạn của bệnh. Do vậy, người bệnh cần được phát hiện và thăm khám sớm, kết quả điều trị sẽ tốt hơn nhiều khi tới viện muộn.



Trần Hằng
.
.
.