2 mẹ con sản phụ được cứu sống theo cách... không bình thường

Thứ Ba, 07/11/2017, 21:55
“Đêm qua chúng tôi đã sinh ra một em bé theo cách không bình thường!” Đầu giờ sáng ngày 7-11, bác sĩ Vương Trung Kiên - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã mỉm cười hạnh phúc nói với tôi như thế. 


Tối hôm qua, lúc 21h ngày 6-11, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất tiếp nhận một bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng có thai 37 tuần, bị đau bụng đột ngột và dữ dội.

Bác sĩ Phạm Phi Long cùng êkíp trực đã nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân và phát hiện thấy có dấu hiệu mất máu rất nặng. Với kinh nghiệm của mình, các bác sĩ hiểu rằng tính mạng sản phụ và thai nhi đang bị đe dọa khi nguy cơ tử vong rất cao. Ngay lập tức, bác sĩ Long xin tổ chức hội chẩn khẩn cấp với Ban Giám đốc Bệnh viện và đi đến thống nhất chẩn đoán thai phụ bị vỡ tử cung tự phát. BS. Vương Trung Kiên lập tức có mặt và chỉ đạo đưa thẳng bệnh nhân lên nhà mổ mà không kịp làm bệnh án, không xét nghiệm máu, không kịp làm các thủ tục tối thiểu cho một ca mổ cấp cứu, không kịp giải thích nhiều cho gia đình…bởi vì tổng thời gian từ lúc vào viện cho đến khi thai phụ lên bàn mổ chỉ có 11 phút. 

Ca mổ diễn ra vô cùng căng thẳng

Thật khó khăn để nhìn thấy những điều gì đang diễn ra. Ổ bụng ngập máu và nước ối. Bác sĩ Long kiểm tra tử cung, thấy mặt sau có 2 đường vỡ, máu và dịch ối tràn ra từ nơi đây, nhưng may mắn thai nhi vẫn cử động. Với những động thái cực kỳ khẩn trương và chính xác, các bác sĩ đã phẫu thuật cứu lấy thai nhi, đồng thời, khâu bảo tồn tử cung!

Tôi hỏi bác sĩ Vương Trung Kiên là tại sao không lựa chọn giải pháp cắt tử cung, bởi như thế sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho bác sĩ phẫu thuật, đặc biệt là thầy thuốc sẽ không phải đối mặt với nguy cơ gì nếu điều không may xảy ra?

“Khâu bảo tồn đường vỡ mặt sau tử cung là một kỹ thuật khó khăn, có thể coi như một sự thách đố. Nhưng sản phụ mới 22 tuổi, có thai lần đầu, cả một tương lai còn dài phía trước, nên nếu cắt tử cung, thì rồi đây, cuộc sống của người phụ nữ này sẽ ra sao -nếu đó là người thân của mình? Câu hỏi đó được đặt ra rất nhanh nhưng cũng rất mạnh mẽ, thôi thúc tận lương tâm. Vì thế, biết là rất khó khăn và đầy thử thách, chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục.” – Bác sĩ Vương Trung Kiên chia sẻ.

Thai phụ và cháu bé đã qua cơn nguy hiểm được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình.

Có lẽ chưa bao giờ các bác sĩ ở đây rơi vào hoàn cảnh khẩn cấp đến thế. Căng thẳng đến toát mồ hôi. Phòng mổ chỉ còn tiếng lách cách của dao kéo, mùi thuốc mê… Những bước chạy vội vã, những câu hỏi không kịp trả lời… Chỉ đến khi tiếng khóc chào đời của em bé cất lên, rồi mũi khâu cuối cùng ở vết rách tử cung hoàn thiện, thì các bác sĩ mới tin rằng mình chiến thắng…

Câu chuyện của các đồng nghiệp đã làm tôi rất xúc động. Tôi chỉ muốn nói một lời cám ơn với họ, khi các đồng nghiệp của tôi ở nơi đây đã đi được một chặng đường rất dài. Tôi hiểu rằng, mỗi một bác sĩ luôn được đào tạo để có thể xem xét bệnh nhân một cách toàn diện, nhưng với bệnh viện tuyến cơ sở, thì cần phải có thời gian và nguồn lực, đó là điều đang còn rất hạn chế.

Bởi vỡ tử cung khi có thai là một tình trạng hiếm gặp, nhưng đặc biệt thảm khốc, đe dọa tính mạng cả người mẹ và thai nhi, là một sự kiện đáng sợ với bác sĩ. Chẩn đoán xác định thường rất khó, nhưng lại đòi hỏi phải xử trí nhanh và dứt khoát. Nguyên nhân vỡ thường liên quan đến tiền sử mổ đẻ cũ, có nạo hút thai trước đó, chấn thương do tai nạn hoăc do bị bạo hành, tử cung bé hơn bình thường hay còn gọi là nhi tính. Những trường hợp thai to, ngôi ngang, hay do tự ý dùng thuốc đặt âm đạo để đẻ đúng ngày đúng giờ; cũng có thể là nguyên nhân gây vỡ.

Chính vì thế, với trường hợp như trên, chính các bác sĩ ở các đơn vị chuyên về phụ sản như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Khoa Sản –Bệnh viện Bạch Mai cũng nói là rất khó chẩn đoán, thế mà các thầy thuốc ở một bệnh viện tuyến huyện đã không chỉ chẩn đoán sớm và còn xử trí một cách tuyệt vời như thế quả rất đáng tự hào.  

Một thầy thuốc có kinh nghiệm đã bày tỏ: Tôi cũng mổ Cesa 30 năm nhưng trường hợp như vậy thường thì thai không còn sống nữa. Ở đây thai còn sống thì đúng bác sĩ là người cha thứ hai của cháu. Bố mẹ hãy lấy tên của bác sĩ mà đặt tên cho con nhé.”

Một thầy thuốc khác cũng chia sẻ: “Giành lại sự sống cho mẹ và bé là cả một vấn đề. Nhưng điều mà tôi cảm ơn các bạn đó là khâu bảo tồn đường vỡ mặt sau tử cung vì đây là kỹ thuật rất khó khăn. Điều không thể đã trở thành có thể.”

Trước những lời chúc mừng về thành công của Bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Vương Trung Kiên cho biết: “Tới đây, Bệnh viện sẽ mời những chuyên gia đến giúp đỡ để cố gắng cải thiện về chuyên môn, xây dựng mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân ngày càng tốt hơn về cả chất lượng phục vụ lẫn tinh thần thái độ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để mang lại niềm vui cho cả người bệnh và nhân viên y tế trong một môi trường luôn tiềm ẩn những rủi ro căng thẳng.”

Ngay sau khi nghe về trường hợp bác sĩ hết lòng cứu chữa cho sản phụ trong tình huống ngặt nghèo này, nhất là khi biết sau 24h, cả 2 mẹ con sản phụ đều đã có diễn biến tốt, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê –Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã không giấu được niềm vui và đánh giá cao trình độ, tay nghề, sự nỗ lực và đặc biệt là y đức của các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất.


Trần Văn Phúc –Thanh Hằng
.
.
.