90% số người mắc sởi do không tiêm phòng, hoặc tiêm không đủ mũi
- Nguy cơ bùng phát dịch sởi rất lớn
- Các địa phương cần tăng cường đối phó với dịch sởi
- Nguy cơ bùng phát dịch sởi từ hàng chục ngàn trẻ chưa được tiêm phòng
- Tiếp tục tiêm chủng để đối phó với dịch sởi mùa đông xuân
- Không chủ quan với dịch sởi
- Lực lượng Công an tập trung phòng, chống dịch sởi
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 108 vv… cho thấy số người mắc sởi đang gia tăng, gồm cả trẻ em lẫn người lớn.
Theo ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng), năm 2018, cả nước có 9.741 trường hợp phát ban nghi sởi, trong đó có 1.963 trường hợp dương tính với bệnh sởi, số ca mắc sởi năm 2018 cao gấp 13 lần so với năm 2017 (145 ca mắc).
Điều đáng lo ngại là theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong số các ca mắc sởi năm 2018 có 51% số ca không được tiêm chủng, khoảng 40% số ca mắc là tiêm không đầy đủ.
Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết các ca mắc bệnh chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Nam, đa số các ca mắc tăng nhanh vào mùa cuối thu. Bệnh sởi mắc ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, thường gặp nhiều nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Ông Trần Đắc Phu thông tin về tình hình dịch bệnh\ |
Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết, đối với vaccine phòng bệnh sởi, nếu tiêm đúng, đủ mũi, sẽ có khả năng miễn dịch với bệnh sởi suốt đời, tỷ lệ đảm bảo miễn dịch của vaccine phòng bệnh sởi khoảng 90% - miễn dịch lớn nhất hiện nay. Lịch tiêm chủng vaccine sởi ở trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng: tiêm mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 (mũi sởi – rubella) khi trẻ 18 tháng tuổi.
Số người mắc sởi vào BV Bạch Mai gia tăng |
Bên cạnh công tác dự phòng, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và sẵn sàng cung ứng thuốc phòng, chống bệnh sởi và sốt xuất huyết.
Các cơ sở y tế cũng cần tổ chức tốt công tác tiếp nhận, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trước nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vaccine sởi –rubella đầy đủ và đúng lịch. Vì bệnh sởi rất dễ lây, nên không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi.
Khi chăm sóc trẻ, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đồng thời, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Liên quan đến thông tin gần đây cho rằng, ăn chay để phòng chống bệnh ung thư, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh ăn chay để phòng bệnh ung thư.
Cục y tế dự phòng cũng không khuyến cáo người dân việc này. Hiện nay, có 4 yếu tố trong sinh hoạt hàng ngày của người dân có nguy cơ cao gây mắc ung thư, đó là hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý (ăn uống không đầy đủ vitamin, khoáng chất….), thiếu vận động thể lực, sử dụng rượu bia. Việc phòng ung thư sẽ do các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.