Nguy cơ bùng phát dịch sởi từ hàng chục ngàn trẻ chưa được tiêm phòng

Thứ Năm, 16/11/2017, 13:55
Hiện nay, số người mắc sởi ngày càng tăng, cả trẻ em và người lớn, trong đó, chủ yếu là những người sống ở địa bàn Hà Nội và đã có 1 ca tử vong.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, bệnh sởi thường phát triển mạnh vào mùa đông – xuân, nhưng năm nay lại bùng phát nhanh ngay ở thời điểm mùa thu. Dịch đang diễn biến phức tạp, khi đã xuất hiện tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội thành. Trẻ nhỏ từ 9-18 tháng tuổi chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

“Điều đáng lo ngại là dù tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Nội luôn đạt trên 95%, song trong 5 năm qua vẫn có tới 14.370 trẻ dưới 1 tuổi và 18.265 trẻ từ 1- 2 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Như vậy, hiện nay toàn thành phố Hà Nội đang có khoảng 32.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi cao" - ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính với sởi tăng nhiều so với cùng kỳ 2016. Trước diễn biến khó lường của dịch sởi, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác tiêm chủng tại thời điểm này.

Trẻ bị sởi phải nhập viện

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, để ngăn chặn bùng phát bệnh sởi, Sở Y tế đã có công văn khẩn gửi các đơn vị ngành y tế, cả trong và ngoài công lập, yêu cầu tăng cường công tác khám và điều trị bệnh sởi. 

Đặc biệt, toàn thành phố đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần để phòng những trường hợp trẻ đến lịch nhưng chưa tiêm được do ốm hay những lý do khách quan, sẽ được tiêm bổ sung ngay tuần sau, để giảm tình trạng quá tại tại các điểm tiêm vào ngày 4,5 hàng tháng như trước đó. 

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giám sát chặt chẽ, nhằm phát hiện sớm trường họp bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; tổ chức cách ly, điều trị kịp thời tránh lây lan, đồng thời xử lý triệt để khu vực phát sinh bệnh nhân, ổ dịch".

Theo các chuyên gia, bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên-đây là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao cùng với những mảng đỏ nổi lên, thường ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa có thể dấn lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước.

TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai 

Để phòng chống biến chứng nguy hiểm của sởi, TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nếu thấy trẻ bị sốt và phát ban, phụ huynh nghi ngờ trẻ bị sởi nên đưa trẻ đến khám bệnh tại cơ sở y tế như trạm y tế phường/xã, trung tâm y tế quận/huyện. Nếu đúng trẻ mắc sởi thì bác sỹ sẽ kê đơn và cấp phát vitamin A viên nang liều cao 100.000 đơn vị để bảo vệ đôi mắt của trẻ.


Thanh Hằng
.
.
.