Nguy cơ bùng phát dịch sởi rất lớn

Thứ Năm, 23/08/2018, 14:00
Ngày 23-8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đưa ra cảnh báo về sự gia tăng đáng kể của dịch bệnh sởi tại các nước châu Âu trong những tháng qua. 


Hiện nay, WHO đang yêu cầu tất cả các nước châu Âu rà soát lại tỷ lệ tiêm vaccine sởi, kể cả các nước đã công bố loại trừ bệnh sởi để thực hiện các chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho các khu vực chưa đạt yêu cầu.

Riêng trong 6 tháng đầu năm tại các nước châu Âu đã phát hiện hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó đã có ít nhất 37 người tử vong. Số trường hợp mắc sởi trong 6 tháng đầu năm 2018 đã cao hơn số mắc trong 12 tháng của các năm trước. 

7 nước có số mắc cao nhất là Ucraina, Grudia, Italia, Nga, Serbia, Pháp, Hy Lạp. Trong đó Ucraina có nhiều người mắc nhất với 28.000 trường hợp, Serbia có số người tử vong cao nhất là 14 trường hợp. 

Đặc biệt việc ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi như Đức và Nga, đã làm dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này.

Trẻ chưa tiêm phòng sởi dễ bị mắc.

Theo WHO, để phòng xảy ra ổ dịch sởi, việc tiêm vaccine sởi phải đạt tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vaccine sởi hàng năm ở tất cả các nơi.

 Tiến sĩ Nedret Emiroglu, Giám đốc Đơn vị Đáp ứng khẩn cấp về y tế và các bệnh truyền nhiễm của WHO khu vực châu Âu cho hay: Tình trạng này chứng tỏ cả những người chưa được tiêm phòng sởi đều có nguy cơ mắc. Do đó, mỗi nước đều phải tiếp tục thúc đẩy tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine sởi và không để tình trạng trống tiêm chủng, kể cả những nước đã đạt thành tựu loại trừ bệnh sởi.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong bối cảnh nguy cơ về dịch sởi ở châu Âu, thì Việt Nam càng có nguy cơ khi từng diễn ra dịch sởi vào năm 2014 với hàng chục ngàn người mắc. Hơn nữa, tại nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa và ở các đô thị có số trẻ di biến động lớn, vẫn còn nhiều trẻ còn chưa được tiêm vaccine sởi đầy đủ, là nguy cơ cao dẫn đến các ổ dịch sởi.

Riêng ở Hà Nội, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 315 người mắc sởi. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện có số mắc cao là: Hoàng Mai (31 ca), Nam Từ Liêm (27 ca), Bắc Từ Liêm (24), Đống Đa (23), Hà Đông (22)... Đến nay, hầu hết các trường hợp mắc sởi đã khỏi.

“Đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi” –Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý.

Đáng lưu ý là hiện nay, một số phụ huynh không cho con đi tiêm vaccine đầy đủ, do trẻ hay bị ốm hoặc do lo ngại bị phản ứng sau tiêm nên hàng năm sẽ tích lũy một lượng lớn trẻ em không có miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và dễ bị mắc bệnh. Hơn nữa theo quy định, vaccine sởi tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên, do vậy những trẻ dưới 9 tháng có nguy cơ bị mắc dịch bệnh này.

Từ tháng 1-2018, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiêm chủng hàng tuần tại 584 xã, phường, thị trấn thay cho hàng tháng như trước.Ngoài ra, các cơ sở y tế đã triển khai công tác phân luồng, phân loại bệnh nhân tại khoa khám bệnh, tổ chức khu vực các ly, bố trí buồng cách ly sẵn sàng cấp cứu điều trị khi có bệnh nhân mắc dịch bệnh và đảm bảo đầy đủ cơ số cấp cứu điều trị trong trường hợp bùng phát dịch.

Sở Y tế Hà Nội còn rà soát và tập huấn \ cho 65 đội phòng chống dịch cơ động (5 đội của TTYT Dự phòng, 60 đội của TTYT 30 quận, huyện, thị xã), có kế hoạch bổ sung đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, trang thiết bị y tế, hóa chất sẵn sàng triển khai bao vây, khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Trong đó chú trọng tuyên truyền để người dân chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.

Trước nguy cơ về dịch sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người chủ động đưa con em đi tiêm vaccine phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Thanh Hằng
.
.
.