Vượt khó trước Đại hội Thể thao toàn quốc

Thứ Năm, 03/11/2022, 05:56

Khi Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 ngày càng đến gần, nhiều đội vẫn đang chạy đua với thời gian, vượt qua những khó khăn khách quan để hoàn thành nhiệm vụ. Điều này càng đặc biệt hơn với những đội không thể đi tập huấn nước ngoài vì lý do khách quan.

Người đi nước ngoài, người đành ở nhà

Thời điểm này, nhiều đội tuyển của các tỉnh, thành, ngành đã hoặc sắp lên đường thực hiện các chuyến tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 – sự kiện thể thao quan trọng bậc nhất với nhiều tỉnh, thành, ngành. Với người trong nghề, đây là bước đi quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho các giải đấu lớn. Bởi từ đây, các VĐV sẽ tích lũy đáng kể về thể lực cũng như cảm giác thi đấu khi được tập luyện, thi đấu trong môi trường tốt hơn trong nước.

điền kinh hà nội.jpg -0
Các VĐV điền kinh Hà Nội hi vọng giành ít nhất 6 HCV tại Đại hội tới. Ảnh: Nguyễn Tú

Trong số này, thể thao Hà Nội cũng đã đưa nhiều đội đi tập huấn nước ngoài để thực hiện mục tiêu giành ngôi Nhất toàn đoàn. Hiện tại các đội rowing, taekwondo đang tập huấn tại Hàn Quốc. Còn đội muay, kickboxing và boxing nữ, cử tạ đang tập huấn tại Thái Lan. Với đội muay, kickboxing, quá trình tập huấn tại Thái Lan đang diễn ra suôn sẻ khi các võ sĩ được thi đấu cọ xát với những võ sĩ hàng đầu Thái Lan. Đặc biệt, cuộc đấu của võ sĩ Nguyễn Doãn Long với huyền thoại muay Thái Lan Suphachai "Saenchai" Saepong (Doãn Long thua chung cuộc bằng tính điểm) được coi là điểm nhấn trong chuyến tập huấn này.

Cũng tại Hàn Quốc, đội bắn súng Quân đội dưới sự dẫn dắt của nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh đang thực hiện chuyến tập huấn nhằm giành thế áp đảo trên bảng tổng sắp huy chương ở Đại hội Thể thao toàn quốc tới. Bên cạnh đó, đội bóng chuyền nam Quân đội đã tới tập huấn tại Thái Lan. Cũng tập huấn tại Thái Lan sẽ có đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc Bắc Ninh và Ninh Bình Doveco.

Thái Lan cũng là điểm đến tập huấn trong thời gian tới của đội muay CAND. Người trong nghề lý giải rằng chi phí tập huấn tại Thái Lan phù hợp với nguồn kinh phí của đơn vị, câu lạc bộ tại Việt Nam trong khi đội ngũ chuyên gia và “quân xanh” tại đây cũng nhỉnh hơn, là điều kiện lý tưởng để nâng cao chuyên môn.

Thể thao CAND ngoài việc cử đội muay tới Thái Lan cũng đưa đội đấu kiếm đi tập huấn tại Indonesia. Tại đây, đội tuyển của một số nước sẽ tập luyện cùng địa điểm với đội Công an nhân dân, là cơ hội tốt để các VĐV nâng cao trình độ, rèn bản lĩnh trước cuộc đấu lớn sắp tới tại Đại hội Thể thao toàn quốc…

Không được may mắn như các đội tuyển trên, nhiều đội tuyển đành tập huấn trong nước để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc sắp tới. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 khiến địa điểm tập huấn ở một số quốc gia mà các đội thường đến vẫn chưa mở cửa.

Vì vậy, các đội vật, wushu, bóng bàn, điền kinh, nhảy cầu, bắn súng, thể dục dụng cụ… của Hà Nội đành tập huấn trong nước. Hay với thể thao Công an nhân dân là trường hợp các đội điền kinh, wushu… Với đội vật Hà Nội, dù có thể đi tập huấn tại Hàn Quốc trong gần một tháng nhưng sau khi cân nhắc yếu tố chuyên môn, kinh phí đã quyết định tập huấn trong nước.

Trong khi đó, đội bi sắt Hà Nội dù thường chọn Thái Lan làm địa điểm tập huấn nhưng đến đợt này lại đành ở nhà vì những lý do khách quan, khiến người trong cuộc lo ngay ngáy. Mục tiêu giành tối thiểu 1 HCV tại Đại hội tới cũng mong manh dù đội đang được tập luyện tại hệ thống sân bãi tốt và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Tất cả đều hiểu đó không phải là yếu tố quan trọng bậc nhất để giúp VĐV giành ngôi vô địch. Và đương nhiên không thể thay thế được tác dụng của việc tập huấn nước ngoài, đặc biệt ở quốc gia hàng đầu thế giới về môn bi sắt như Thái Lan.

Rõ ràng, kỳ chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc tới không giống một số kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc trước đây. Ở đó, một số môn như vật, wushu… của các tỉnh, thành, ngành đều tập luyện trong nước. Ở các đơn vị khác, cũng có nhiều đội không thể thực hiện được các chuyến tập huấn nước ngoài để tạo nên những “cú đấm” quyết định tại Đại hội Thể thao toàn quốc.

Đi tìm giải pháp

Trong tình cảnh không thể đi tập huấn nước ngoài, nhiều đội đành tìm đến các giải pháp khác khi tập huấn trong nước. Trong đó, đội bóng bàn Hà Nội đưa các VĐV đi tập huấn tại Ninh Bình để họ nạp năng lượng, thay đổi không khí tập luyện.

Ngoài ra, các VĐV được cử đi thi đấu liên tục tại các giải trong nước, kể cả những giải không trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Cách đây ít ngày, các VĐV nam Hà Nội cũng nhiều VĐV chuyên nghiệp khác đã dự giải bóng bàn VTV8 tại Quảng Nam. Ít ngày tới, các VĐV nữ Hà Nội trong đó có tay vợt nổi tiếng Nguyễn Thị Nga cũng sẽ dự giải bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội tranh Cúp Báo Hànộimới năm 2022.

Phó Trưởng bộ môn bóng bàn Hà Nội Ngô Thu Thủy kể rằng, gần đây nhất ở giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc năm 2022, Nguyễn Thị Nga không thể thi đấu vì sốt xuất huyết. Vì thế, Ban huấn luyện đăng ký cô dự giải bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội tranh Cúp Báo Hànộimới năm 2022 nhằm có cảm giác thi đấu trước khi dự Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, nơi cô được kỳ vọng sẽ ít nhất vào đến trận chung kết đơn nữ. Cũng ở giải này, ngoài Nguyễn Thị Nga còn có hàng loạt tay vợt hàng đầu khác của Việt Nam như Bùi Thế Nghĩa, Vũ Hoài Thanh (Quân Đội), Đinh Thị Hằng, Đinh Thị Huệ, Bùi Ngọc Lan (Hải Dương)… tham dự, cũng nhằm chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022.

Ở đội điền kinh Hà Nội, từ đầu tháng 11, một số VĐV đi bộ, chạy cự ly trung bình cũng đã được đưa đi tập huấn ở Quảng Ninh để tích lũy sức mạnh. Còn các đội khác không thể đi tập huấn nước ngoài, trong đó có wushu, thể dục dụng cụ, đành tập chủ yếu ở Hà Nội. Tại đội bi sắt Hà Nội, người đến đây cũng sẽ thường chứng kiến những buổi nói chuyện của Trưởng bộ môn, HLV nhằm động viên các VĐV vượt qua khó khăn, cách giữ cảm giác thi đấu.

Hay với trường hợp thể thao CAND, đội điền kinh CAND tiếp tục tập huấn dài ngày tại Đà Nẵng, đội wushu, vật… tập tại Hà Nội. Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT CAND Nguyễn Xuân Hải, đây là việc đặng chẳng đừng, vì lý do khách quan. Thế nên các HLV đóng vai trò quan trọng trong việc “tiếp lửa” cho các học trò.

Những câu chuyện góp nhặt trước ngày diễn ra Đại hội Thể thao toàn quốc đã cho thấy cái khó chung của thể thao Việt Nam và của từng địa phương. Nhưng vấn đề vẫn nằm ở các nhà quản lý, các Trưởng bộ môn. Như Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng chia sẻ thì sau chuyến công tác tại Hàn Quốc vừa qua đã cho thấy có nhiều cách để giải quyết khó khăn trong tập huấn quốc tế. Tại Hàn Quốc, nhiều trung tâm huấn luyện hàng đầu sẵn sàng nhận VĐV Hà Nội đến tập huấn. Quan trọng là việc tạo dựng được mối quan hệ quốc tế của các nhà quản lý, Trưởng bộ môn để có các giải pháp tập huấn khi nhận thấy phương án ưu tiên không thể thực hiện được. Đó cũng là bài học có thể rút ra ngay từ lúc này chứ không đợi đến khi Đại hội kết thúc.

Môn rowing diễn ra sớm nhất

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, môn rowing diễn ra sớm nhất trong các môn thi đấu. Theo đó, môn rowing diễn ra từ ngày 18 tới 23-11 tại Hải Phòng, thu hút 180 tay chèo của 18 đơn vị. Cách đây ít ngày, các tay chèo nữ Hà Nội đã được trang bị 2 bộ mái chèo đạt tiêu chuẩn thi đấu ở Olympic, trị giá gần 80 triệu đồng để đạt thành tích tốt nhất ở Đại hội. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.