Điền kinh Việt Nam: Số 1 khu vực, chới với tầm thế giới

Thứ Hai, 30/05/2022, 08:38

22 Huy chương Vàng tại SEA Games 31 là một thành tích, thậm chí có thể nói là kỳ tích đáng nể mà điền kinh Việt Nam có được. Số lượng Huy chương Vàng cao gần gấp đôi đội xếp thứ 2 là Thái Lan cho thấy vị thế số 1 ở tầm Đông Nam Á của điền kinh Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một thực tế phải thừa nhận, kết quả ấy vẫn là chưa đủ để các VĐV bộ môn này tự tin vươn tầm thế giới.

Đứng đầu Đông Nam Á

Đã có những thử thách nhất định đến từ yếu tố chủ quan đến khách quan dành cho đội tuyển điền kinh Việt Nam trước SEA Games 31. Nhưng chung cuộc, Việt Nam vẫn đứng nhất toàn đoàn ở bộ môn này một cách đầy thuyết phục.

Minh chứng rõ ràng nhất là điền kinh Việt Nam đã giành tới 22 tấm Huy chương Vàng SEA Games (bên cạnh 14 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng), vượt chỉ tiêu ban đầu chỉ ở mức 16-18 Huy chương Vàng. Đáng nói hơn, Thái Lan – đội điền kinh xếp thứ 2 toàn đoàn chỉ đạt 12 Huy chương Vàng. Điều đó đủ để thấy vị thế số 1 khu vực của điền kinh Việt Nam. Một thống kê chỉ ra rằng, đây cũng là số Huy chương Vàng cao nhất mà điền kinh Việt Nam giành được trong lịch sử các kỳ SEA Games.

Ông nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục - Thể thao nhấn mạnh: “Kết quả huy chương tại SEA Games 31 là một liều thuốc tinh thần tốt cho từng người vì sau hai năm ảnh hưởng của COVID-19, khi được ra sân thi đấu chính thức thì tất cả đã nỗ lực”.

Phân tích cụ thể hơn, 12 trong số 22 nội dung mà điền kinh Việt Nam có Huy chương Vàng là: Chạy 1.500m, 5.000m, 10.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật của nam; 400m, 800m, 1.500m, 5.000m, 10.000m, 400m rào, 3.000m vượt chướng ngại vật, 4x400m của nữ. 10 nội dung còn lại là đổi màu huy chương hoặc bất ngờ tạo được khi tranh tài ở Đại hội trên sân nhà.

anh 2.jpg -0
Thành tích của các VĐV điền kinh Việt Nam chưa đạt đến tầm châu Á và thế giới.

Điều đó cũng cho thấy điền kinh Việt Nam một mặt duy trì trong các nội dung chủ đạo và mặt khác, sẵn sàng tạo nên bất ngờ ở những nội dung từng chưa có được thành công trong quá khứ. Về mặt cá nhân, những hiện tượng ở SEA Games lần này có Hoàng Nguyên Thanh (marathon nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam), Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ, Lò Thị Hoàng (ném lao nữ) hay Nguyễn Linh Na (bảy môn phối hợp nữ). Trong khi đó, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan được xếp vào diện xuất sắc khi đoạt từ 2-3 Huy chương Vàng ở SEA Games 31 tại Việt Nam.

Còn nhiều thách thức ở tầm châu lục và thế giới

Niềm vui đến từ sự thống trị tại Đông Nam Á là có thật. Nhưng song song với đó, những canh cánh về việc chưa đạt được thành tích cạnh tranh huy chương ở tầm ASIAD (châu Á) và Olympic (thế giới) cũng hiện diện.

“Thành tích 22 tấm Huy chương Vàng là một nỗ lực của các tuyển thủ nhưng để tìm cơ hội tranh huy chương tại ASIAD vẫn còn cần thêm nhiều yếu tố”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục - Thể thao bày tỏ. “Chúng ta phải lựa chọn con người theo nội dung cụ thể. Có những nội dung với tuyển thủ Việt Nam rất khó giành được huy chương ASIAD hay chuẩn Olympic nên bộ môn điền kinh phải có chiến lược tính toán cụ thể”.

Thực tế tại SEA Games 31, dù điền kinh Việt Nam giành 22 Huy chương Vàng nhưng xét về chỉ số thành tích, các vận động viên lại không vượt hơn thông số chuyên môn cao nhất, đủ khả năng tranh chấp huy chương ở ASIAD hay Olympic. Đơn cử như Nguyễn Thị Oanh (3.000m chướng ngại vật nữ) và Lò Thị Hoàng (ném lao nữ) đều phá kỷ lục SEA Games ở các nội dung tương ứng. Nhưng những thành tích như 9 phút 52 giây 44 đối với Nguyễn Thị Oanh hay 56m37 đối với VĐV ném lao Lò Thị Hoàng vẫn là chưa đủ ở tầm châu lục, thế giới.

Thậm chí, Quách Thị Lan dù giành Huy chương Vàng nội dung 400m rào nữ với thời gian 56 giây 33 nhưng còn thua cả kỷ lục quốc gia với thời gian 56 giây 30. Tương tự, Nguyễn Thị Huyền tuy về đích đầu tiên ở cự ly 400m nữ nhưng thời gian chỉ là 52 giây 33, thua thành tích quốc gia tới gần 1 giây!

Ngay cả hai niềm hy vọng tầm châu Á từng giành Huy chương Vàng ASIAD 2018 cho điền kinh Việt Nam như Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) và Quách Thị Lan (400m rào) cũng chưa có thành tích như mong muốn đặt ra. Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: “Chúng ta có hai gương mặt vô địch ASIAD 18-2018 là Bùi Thị Thu Thảo - nhảy xa, Quách Thị Lan - 400m rào nên mục tiêu tại SEA Games 31 của chúng tôi là các tuyển thủ đảm bảo được thông số chuyên môn. Cả Thảo và Lan giành được các thành tích huy chương nhưng nếu nhìn vào chỉ số thì kết quả mới ở mức hài lòng chứ chưa thật sự vượt trội”.

Chắc chắn, trong thời gian tới, điền kinh Việt Nam không thể cứ dựa vào 22 tấm Huy chương Vàng SEA Games để ngủ quên trong thắng lợi. Kế hoạch chuẩn bị cho giải điền kinh thế giới vốn diễn ra từ 15/7 đến 24/7 tại Mỹ đã được đội tuyển điền kinh Việt Nam bắt tay vào chuẩn bị. Việc cử người tham dự giải đấu sẽ được ban huấn luyện xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - phụ trách bộ môn điền kinh cho biết, thực chất tuyển điền kinh Việt Nam không giành được suất chính thức dự giải vô địch thế giới. Dù vậy, chúng ta vẫn có 1 suất mời từ Liên đoàn điền kinh thế giới. Với kế hoạch ban đầu, ban huấn luyện điền tên tuyển thủ Quách Thị Lan tham dự giải đấu này. Tại SEA Games 31, vận động viên Quách Thị Lan giành Huy chương Vàng ở nội dung sở trường 400m rào nữ cùng Huy chương Đồng nội dung 400m rào.

Đầu tư cho các VĐV trẻ ở cự ly ngắn

Theo thống kê, đội tuyển điền kinh Việt Nam dù giành 22 Huy chương Vàng và đứng số 1 tại SEA Games 31 nhưng ở cự ly ngắn, Việt Nam đang thất thế so với Thái Lan. Sự xuất hiện của thần đồng 16 tuổi là Puripol Boonson đã giúp Thái Lan có 2 HCV ở nội dung 100m và 200m.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Liên đoàn điền kinh Việt Nam phải tính toán lại để tuyển chọn các VĐV trẻ nổi bật, nhanh chóng đầu tư để không bị bỏ lại ở các cuộc cạnh tranh cự ly chạy ngắn.

Ông nói: “Thái Lan đầu tư rất mạnh cho các nội dung chạy của điền kinh. Họ thuê HLV, chuyên gia với mức lương 8.000 USD-10.000 USD/tháng. Tuyển điền kinh sẽ có kế hoạch đôn các VĐV trẻ ở các cự ly chạy ngắn để chuẩn bị cho tương lai”.

An Khánh
.
.
.