Những vụ nã tên lửa nhầm đồng minh tai hại của quân đội Mỹ

Chủ Nhật, 23/09/2018, 06:45
Trong các chiến dịch quân sự tại Trung Đông, các quân nhân Mỹ đã không ít lần nhắm bắn nhầm vào lực lượng đồng minh và gây ra những thiệt hại khổng lồ.

Phi công F-15 nhầm trực thăng Mỹ với Mi-24 Iraq

Sau Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất (1990-1991) Iraq đã chấp thuận một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc thông qua, theo đó cho phép người Kurd nổi dậy chống chính quyền được di chuyển, trú ẩn tại các khu vực rừng núi ở phía Bắc Iraq.

Trực thăng UH-60 Black Hawk của quân đội Mỹ. Ảnh: ITN

Kéo theo đó, Mỹ dẫn đầu một liên minh quân sự được phép triển khai chiến dịch Operation Provide Comfort “đảm bảo an ninh cho các hoạt động cứu trợ của Liên Hợp Quốc” và lập một vùng cấm bay tại rộng hơn 11.000km2 trải dài khắp miền Bắc Iraq. Không quân Mỹ cũng nhận lệnh bắn hạ mọi máy bay Iraq đi vào khu vực.

Ngày 14-4-1994, hai trực thăng UH-60 Black Hawk của lục quân Mỹ chở theo 26 người trên đường tới trung tâm phối hợp chiến dịch thì bất ngờ bị một biên đội F-15 của không quân Mỹ phát hiện. Chớ triêu thay, thiết bị nhận dạng địch – ta (IFF) của hai chiếc UH-60 bị hỏng, khiến phi công F-15 không rõ đó là trực thăng của phe nào.

Theo hướng dẫn cấp trên, biên đội F-15 quyết định tiến tới 2 chấm sáng trên radar để nhận diện muc tiêu bằng mắt thường. Điều tai hại đã xảy ra khi các phi công này đã nhìn những chiếc UH-60 này thành trực thăng vũ trang Mi-24 trong biên chế của quân đội Iraq. Ngay lập tức, cả hai tiêm kích F-15 vòng lại và nã tên lửa thẳng vào phi đội UH-60, khiến toàn bộ những người trên máy bay thiệt mạng.

Tên lửa Patriot hạ chiến cơ Anh

Hơn một thập kỉ sau Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, quân đội Mỹ đã khởi động sau Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ hai ở Iraq vào năm 2003 với cái cớ Iraq đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda đứng sau vụ khủng bố 11-9 khiến gần 3.000 người thiệt mạng.

Quân đội Anh phải "cắn răng" chịu nhịn vì vụ PAC-3 bắn hạ Tornado GR4.

Ở giai đoạn đầu cuộc chiến này, Mỹ đã triển khai 62 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-3 đến Iraq để bảo vệ các lực lượng mặt đất cũng như ngăn sự can thiệp của bên thứ 3. Tuy nhiên, các hệ thống phòng không này lại tỏ ra kém tin cậy, thậm chí trở thành mối đe dọa chết người cho chính máy bay của đồng minh Mỹ.

Mỗi tổ hợp Patriot bao gồm một radar trinh sát và dẫn bắn, một đài điều khiển hỏa lực và một số bệ phóng. Phiên bản PAC-3 đạt tầm bắn tối đa 70 km, có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và nhiều loại phi cơ khác nhau.

Để xác định mục tiêu, Patriot thu thập các tham số như độ cao, tốc độ, diện tích phản xạ radar và tín hiệu nhận diện IFF. Sau khi phân tích, nó sẽ đưa ra thông báo cho kíp vận hành về loại mục tiêu (chiến cơ, tên lửa, thiết bị bay không người lái…) nhằm lựa chọn phương án đáp trả.

Tuy vậy, những thuật toán của Patriot không phải lúc nào cũng chính xác. Ngày 23-3-2003, hệ thống này đã nhận diện một máy bay Tornado GR4 của Anh là máy bay Iraq. Ngay lập tức, một quả tên lửa Patriot uy lực được phóng lên. Chiếc chiến đấu cơ của Anh đã không thể né quả đạn của đồng minh và bốc cháy, khiến 2 phi công thiệt mạng.

Phi công Mỹ nã tên lửa vào trạm radar nhà

Cũng chính vì thường xuyên nhận dạng các phi đội máy bay nhà là máy bay địch nên các khẩu đội Patriot từng nhiều lần khiến các phi công Mỹ “thót tim” khi hệ thống radar báo rằng họ đã bị tên lửa phòng không khóa mục tiêu, chuẩn bị nhắm bắn.

Tên lửa AGM-88 HARM được lắp đặt trên một chiến đấu cơ. Ảnh: EPA

Thông thường, các phi công sẽ khẩn trương liên lạc với trạm mặt đất để yêu cầu không khai hỏa tên lửa. Tuy nhiên, sau vụ chiếc Tornado GR4 bị bắn rơi, một phi công F-16 của Mỹ đã không thể giữ bình tĩnh để thông báo với mặt đất.

Ngày 24-3-2003, phi công lái chiếc F-16 của Mỹ sau khi làm nhiệm vụ gần thủ đô Baghdad của Iraq đã khai hỏa tên lửa chống radar AGM-88 HARM đáp trả trạm radar của chính quân đội Mỹ sau khi được máy bay cảnh báo bị khóa mục tiêu bởi tên lửa Patriot.

Sau vài giây, quả đạn HARM lao tới nguồn tín hiệu, phá huỷ đài radar Patriot. Quân đội Mỹ nói rằng vụ việc không gây ra thương vong cho kíp vận hành, song các nguồn tin địa phương thì khẳng định ít nhất 6 binh sĩ vận hành hệ thống Patriot đã thiệt mạng.

Sau sự cố, vẫn còn nhiều hệ thống Patriot tiếp tụctrực chiến, trở thành nỗi ám ảnh với phi công liên quân. Ngày 2-4-2003, tên lửa Patriot phóng đạn về phía một tiêm kích F/A-18C Hornet của hải quân Mỹ do phi công Nathan D. White điều khiển khi đang hoạt động trên không phận Iraq. Viên phi công đã không kịp trở tay và hi sinh.

F-16 dội bom vào căn cứ Canada

Tháng 4-2002, khi Mỹ cùng các đồng minh tiến hành chiến dịch quân sự truy lùng al-Qaeda và Taliban ở Afghanistan, hai tiêm kích F-16 của Mỹ đã bất ngờ dội bom vào một thao trường của Canada đặt không xa căn cứ của Washington.

Theo Guardian, hai chiếc F-16 khi đó đang trên đường trở về căn cứ thì nhận được cảnh báo bị khóa mục tiêu bởi một hệ thống phòng không dưới mặt đất. Các phi công sau đó xin phép được đáp trả.

Khoảnh khắc một máy bay F-16 thả bom xuống mục tiêu. Ảnh: ITN

Do thông tin chưa rõ ràng, sở chỉ huy ra lệnh chờ và sau đó không cho phép phi công khai hỏa. Tuy vậy, một trong hai phi công là thiếu tá Harry Schmidt đã tự ý ra quyết định và ném một quả bom dẫn đường laser vào mục tiêu với niềm tin rằng mình đang tự vệ trước đối phương.

Trớ trêu thay, mục tiêu đó lại là một thao trường của lực lượng Canada. Quả bom của Schmidt đã làm ít nhất 4 người chết, 8 người bị thương. Người này sau đó bị kỉ luật và nộp phạt gần 6.000 USD.

Thiện Minh
.
.
.