Một năm sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà: Tiếng chuông sẽ vang từ tâm dịch

Thứ Tư, 15/04/2020, 16:46
Một năm đã trôi qua kể từ khi Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame) oằn mình trong bão lửa trước sự sững sờ của cả thế giới. Tiếng chuông từ nhà thờ sẽ vang lên một lần nữa vào tối 15/4, như lời khẳng định cho sự kiên cường của "trái tim nước Pháp".


Tối 15/4/2019, một ngọn lửa bất ngờ bùng phát đã tàn phá nặng nề phần mái nhà của Nhà thờ Đức Bà Paris, khiến ngọn tháp của công trình kiến trúc Gothic lừng danh này gục ngã trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân.

Công trình có niên đại 850 năm - biểu tượng của thủ đô Paris hoa lệ - đã trải qua một sự cố chưa từng có gây nên những tổn thất nặng nề. Đám cháy cũng xảy ra trong bối cảnh cộng đồng Công giáo đang chuẩn bị tổ chức Lễ Phục sinh, khiến không chỉ người dân Pháp, mà cả thế giới đau lòng.

Nhà thờ Đức Bà oằn mình trong bão lửa. Ảnh: Reuters

Đúng một năm sau, vào 8h tối ngày 15/4/2020, tiếng chuông sẽ một lần nữa vang lên từ công trình vĩ đại này, vào đúng thời điểm những người dân Paris sẽ đồng loạt vỗ tay từ cửa sổ và ban công để tưởng nhớ các bác sĩ ở tuyến đầu đã hi sinh mạng sống của họ để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

"Sự hồi phục của Nhà thờ Đức Bà là biểu tượng cho sự kiên cường của người dân Pháp, minh chứng cho khả năng vượt qua khó khăn để hồi phục", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 15/4 khẳng định.

Trong bài phát biểu của mình, ông Macron một lần nữa nhất mạnh cam kết sẽ xây dựng lại công trình này trong vòng 5 năm, mặc dù thực tế các tiểu mục tái dựng của nhà thờ đang chậm hàng tháng so với lịch trình do thời tiết, do ô nhiễm sau vụ cháy, và giờ là do đại dịch.

"Mục tiêu của chúng tôi là có thể đưa nhà thờ trở lại với công chúng vào ngày 16/4/2024", ông Jean-Louis Georgelin, một tướng quân đội đã nghỉ hưu, người phụ trách công cuộc phục hồi nhà thờ, cho biết.

Hoạt động tái xây dựng nhà thờ đang được triển khai. Ảnh: CNN

Ngọn lửa ôm trọn lấy trái tim nước Pháp năm ấy được cho là bắt nguồn từ một tàn thuốc, hoặc một sự cố điện. Sau khi vụ cháy xảy ra, những tấm lòng nhân đạo từ khắp thế giới đã gửi yêu thương về Pháp, đóng góp 850 triệu Euro cho quá trình phục dựng công trình này. 

Nhưng COVID-19 đang thay đổi tất cả, nhất là khi Pháp đang trở thành một ổ dịch lớn của châu Âu. Công việc tái xây dựng nhà thờ đã phải tạm dừng từ 16/3, sau khi Pháp đưa ra các biện pháp phong tỏa và hạn chế để kiểm soát dịch bệnh. Vì lẽ đó, khả năng nhà thờ mở cửa trở lại vào năm 2024 bỗng trở nên thật mong manh. 

Theo ông Georgelin, một số nhiệm vụ đặc biệt cần phải hoàn thành khiến việc tái xây dựng nhà thờ đúng hạn trở nên bất khả thi, trong đó bao gồm việc định hình tình trạng cấu trúc, kiểm tra trần nhà, loại bỏ giàn giáo được dựng lên trước khi bị lửa thiêu rụi. Thậm chí, theo ông Georgelin, một lượng lớn bụi chì vẫn tồn tại ở đây, gây nguy cơ ô nhiễm nghiễm trọng.

Ông Jean-Louis Georgelin chia sẻ về quá trình phục dựng nhà thờ. Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy, Giám đốc phòng thí nghiệm LRMH được giao nhiệm vụ đánh giá tàn tích, bà Aline Magnien , lại lạc quan chia sẻ với tạp chí Science rằng "trái tim của nhà thờ Đức Bà đã được cứu"."Nhà thờ Đức Bà sẽ được phục hồi. Tác phẩm nghệ thuật, đá và kính màu của nó sẽ được làm sạch, nó sẽ sáng hơn và đẹp hơn trước", bà nhấn mạnh. 

Và ngay lúc này, khi Pháp đang đối diện với đại dịch, với số ca nhiễm tính đến ngày 15/4 là 143.303 bệnh nhân cùng 15.729 ca tử vong, sự hồi sinh của Nhà thờ Đức Bà cũng sẽ là một biểu tượng đẹp, tiếp sức cho nghị lực và hi vọng của người Pháp trước những biến cố và khó khăn. 

Điều đặc biệt, đó là chiếc chuông của Nhà thờ nặng 13 tấn, được đúc vào năm 1681 và lớn thứ 2 ở Pháp, không hề bị phá hủy về mặt cấu trúc sau vụ cháy. Theo truyền thống, tiếng chuông sẽ được vang lên vào các dịp lễ kỷ niệm hoặc sự kiện lớn.

Và tối nay, 15/4, tiếng chuông ấy sẽ một lần nữa vang lên, sau một năm trầm lặng.

An Nhiên
.
.
.