Liệu Nga có xét lại quan hệ với Israel sau vụ trinh sát cơ Il-20 bị bắn hạ?

Thứ Tư, 19/09/2018, 15:15
Khả năng Nga xét lại quan hệ với Israel hay nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Moscow và Tel Aviv là rất thấp sau vụ chiến đấu cơ Israel can thiệp khiến máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị bắn rơi.

Lỗi không của riêng Israel

Bộ Quốc phòng Nga ngày 18-9 xác nhận nước này đã mất một trinh sát cơ Il-20 trên bầu trời Địa Trung Hải bởi tên lửa của Syria, song với sự can dự của máy bay Israel. Theo Moscow, 4 tiêm kích F-16 Israel đêm 17-9 đã tiến vào từ Địa Trung Hải để tấn công các mục tiêu của Syria tại tỉnh Latakia vào đúng thời điểm trinh sát cơ Il-20 của nước này đang bay vòng để chuẩn bị hạ cánh xuống căn cứ Hmeymim.

Trinh sát cơ Il-20 của quân đội Nga. Ảnh: Sputnik

Vào khoảnh khắc chiếc máy bay Nga dễ bị tấn công nhất, phi công của Israel đã lợi dụng chiếc Il-20 cỡ lớn như một lá chắn sống để giấu mình, khiến nó bị nhắm vào bởi lực lượng phòng không Syria. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga đã ra một loạt thông cáo mạnh mẽ lên án hành động của Israel, đồng thời khẳng định Moscow sẽ không để vụ việc trôi qua mà không có hành động đáp trả nào.

Tuy nhiên, khác với các tuyên bố cứng rắn này, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một phát ngôn cùng ngày, lại chỉ nói rằng vụ trinh sát cơ Il-20 bị bắn rơi bởi tên lửa của đồng minh trên bầu trời Địa Trung Hải là hậu quả của "một chuỗi sự kiện bất ngờ đầy thảm kịch", trong đó có sự liên quan của Israel, khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng.

Giới quan sát nhận định, đây có thể xem là một sự dịu giọng hiếm thấy của Tổng thống Nga Putin. Tờ Washington Examiner của Mỹ cho rằng, về mặt chiến thuật, Putin hiểu rất rõ rằng Israel không phải là bên duy nhất có lỗi trong thảm kịch này và việc chiếc Il-20 bị bắn rơi cho thấy năng lực phòng không của Syria đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Sơ đồ sự việc Il-20 bị bắn hạ được Nga công bố. Ảnh: RT

Từ khi Nga tham chiến ở Syria vào năm 2015, Nga đã cung cấp cho Syria nhiều loại vũ khí phòng không cũng như nâng cấp nhiều loại tên lửa chống máy bay sẵn có của Damascus. Tuy nhiên, chừng đó thời gian dường như chưa đủ để lực lượng phòng không Syria trở thành một lực lượng tinh nhuệ.

Ngay sau sự cố, Bộ Quốc phòng Israel đã liên lạc với phía Nga, giải thích rằng tiêm kích F-16 của họ đêm 17-9 đang không kích một cơ sở quân sự Syria ở song đã trở về không phận Israel trước khi tên lửa S-200 được phóng lên, hậu quả là chiếc Il-20 đang bay vòng chờ hạ cánh trở tay không kịp và trúng đạn.

Một hệ thống S-200 của Syria. Ảnh: Getty Images

Có thể thấy, thảm kịch đã xảy ra phần nào do quân đội Syria nóng vội đáp trả đòn không kích của Israel, khiến tên lửa đã được phóng đi từ hệ thống S-200 uy lực mà chưa có bất cứ thông báo nào cho lực lượng Nga hiện diện tại Syria. Cơ chế nhận diện địch-ta của tên lửa S-200 theo đó cũng không được áp dụng, khiến thảm hoạ xảy ra.

Tờ Independent dẫn lời chuyên gia an ninh Nga Vladimir Frolov thì cho rằng Moscow cũng có một phần trách nhiệm gián tiếp trong sự cố, khi không nâng cấp tính năng hiện đại hơn cho lực lượng phòng không Syria, đặc biệt là hệ thống nhận diện đối thủ cũng như tránh đòn áp chế điện tử khi bị kẻ địch tấn công. 

Có thể nói, rõ ràng Israel có vai trò trong sự cố Il-20 bị bắn hạ, song Tổng thống Putin hiểu rõ điều mà người Nga cần làm để tránh các tình huống tương tự là tiếp tục hiện đại hóa năng lực phòng không cho Syria chứ không phải đổ lỗi cho Israel.

Khó có một cuộc khủng hoảng ngoại giao

Cách đây 3 năm, khi vừa bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, người Nga đã vấp tổn thất nặng nề đầu tiên khi chiếc máy bay ném bom chiến thuật Su-24M đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong lãnh thổ Syria, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì bị một tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, khiến 1 phi công thiệt mạng.

Vệt lửa từ chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Ảnh: Reuters

Sự cố này đã khiến quan hệ giữa Moscow và Ankara căng như dây đàn trong nhiều tháng. Hai bên khi đó liên tục có những tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhau, trong khi các biện pháp cấm vận đã được sử dụng triệt để cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải xuống nước và xin lỗi Nga.

Ngay sau khi chiếc Il-20 của Nga bị bắn rơi, nhiều người lập tức nhắc lại sự cố này và cho rằng Moscow và Tel Aviv có khả năng cao sẽ rơi vào tình cảnh tương tự. Tuy nhiên, theo Independent, phản ứng này của Israel rất khác so với những lời lẽ mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau vụ bắn rơi cường kích Nga năm 2015.

Thay vì cương quyết đối đầu để bảo vệ phi công, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đích thân điện đàm với Tổng thống Nga Putin để giải thích về sự cố, bày tỏ “hối tiếc” về sự việc và đề nghị Nga cho phép tư lệnh không quân nước này tới Moscow cùng phối hợp làm rõ sự việc. Điều này dường như đã trở thành một phần lí do không nhỏ khiến ông Putin dịu giọng.

Quan hệ Nga- Thổ chỉ ấm lên khi Ankara xin lỗi Moscow về vụ bắn hạ chiếc Su-24. Ảnh minh họa

Ngoài ra, trong suốt cuộc nội chiến ở Syria, Israel luôn bảo lưu quan điểm không can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến mà chỉ tập trung duy nhất vào một mục tiêu chiến lược là ngăn chặn Iran cùng các lực lượng dân quân thân cận hiện diện quân sự lâu dài trên lãnh thổ Syria. Tel Aviv liên tiếp tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Syria, song đây đều là nơi có hiện diện của lực lượng Iran.

Nga dường như cũng chấp nhận các lợi ích chiến lược của Israel ở Trung Đông và ông Putin khả năng cao sẽ không mạo hiểm đánh đổi mối quan hệ này để rồi vướng vào một cuộc xung đột giữa Israel và Iran, điều mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến vốn đã rất phức tạp ở Syria.

Ông Netanyahu (trái) là nhà lãnh đạo nước ngoài hiếm hoi xuất hiện tại lễ duyệt binh 9-5 ở Quảng trường Đỏ của Nga. Ảnh: Reuters

"Nga sẽ không cản trở hoạt động của Israel ngằm ngăn chặn sự mở rộng của Iran ở Syria, bởi họ biết rằng đây là yếu tố mang tính sống còn với Tel Aviv", Jonathan Spyer, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Jerusalem, nói với Independent. "Moscow đang tìm cách làm bạn với tất cả, với Assad, Irael, Thổ Nhĩ Kỳ và cả người Kurd, dù điều này có thể gây rắc rối".

Trong khi đó, chuyên gia Ilya Yakimenko của tờ Gazeta nhận định: “Người Nga đến Syria để tiêu diệt khủng bố, giúp Damascus khôi phục quyền kiểm soát lãnh thổ. Tổng thống Putin hiểu rõ điều đó và ông ấy sẽ không làm gì khiến tình hình thêm phức tạp. Israel luôn kiêng nể người Nga và một sự cố sẽ không thể đẩy mối quan hệ chiến lược này vào vòng nguy hiểm”.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.