Bộ trưởng Giáo dục xin lùi thời điểm áp dụng sách giáo khoa mới

Thứ Sáu, 13/10/2017, 14:49
Sáng 13-10, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thừa ủy quyền trình bày Tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành nhiều bước để triển khai, bao gồm cả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế... Bộ Giáo dục cũng tổ chức nhiều chuyến công tác nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm, tổ chức nhiều hội thảo về xây dựng, biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh; từ đó đề xuất vận dụng vào điều kiện Việt Nam”.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra. 

Theo Quyết định 404 của Thủ tướng, đến tháng 6 - 2016 phải ban hành chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học). 

Trên thực tế, chương trình tổng thể được Ban Chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua ngày 27 - 7 - 2017; dự kiến chương trình mới được ban hành trong quý I năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc sáng 13-10

Nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo trình bày trong 4 gạch đầu dòng chính:

- Do xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng.

- Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới lần này được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, gồm nhiều bước.

- Quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội.

- Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu xây dựng chương trình mới cũng cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục theo quy định.  

“Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022”- Bộ trưởng Nhạ cho hay.


Vũ Hân
.
.
.