Tuyển sinh vào lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh:

Mới nhưng không “thoát ly” sách giáo khoa

Thứ Hai, 11/09/2017, 09:03
Học sinh, phụ huynh và giáo viên khối lớp 9 các trường THCS tại TP Hồ Chí Minh đang rất sốt ruột mong sớm biết cụ thể "diện mạo" kì thi tuyển sinh lớp 10 sẽ đổi mới ra sao, nhất là trong môn toán với hình thức thi tích hợp sẽ có nhiều thay đổi nhất.


Không thay đổi nhiều!

Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng là người tham gia biên soạn đề thi tuyển sinh 10 tại thành phố khẳng định: "Đề thi mới sẽ không gây áp lực cho học sinh (HS). HS không nhất thiết phải đi học thêm quá nhiều, Phụ huynh cũng không phải lo lắng. Riêng môn toán sẽ có các bài toán vận dụng đơn giản, nhẹ nhàng, không mang tính hàn lâm, hay các công thức phức tạp".

Cũng theo ông Tiến, thực chất đổi mới trong thi tuyển 10 tại TP Hồ Chí Minh đã làm vài năm nay, và "đúng theo lộ trình từng bước" chứ không phải là đột ngột thay đổi. Do đó, thầy cô và HS vẫn cứ hoạt động bình thường. Về đề thi tích hợp, ông Tiến giải thích, kiến thức của đề thi gồm ngoài kiến thức cơ bản của sách giáo khoa (SGK), đề thi mới sẽ lồng ghép các kiến thức vận dụng vào bài thi. Do vậy, HS cần chú ý thêm các kiến thức thực tế để cảm nhận, đáp ứng. Mục đích là để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập trong nhà trường, hướng tới giáo dục toàn diện cho HS. Vẫn theo lời ông Tiến, việc thay đổi theo hướng kết hợp, vận dụng kiến thức của một số môn học khác nhau trong đề thi nhưng không gây quá tải hơn vì các kiến thức hàn lâm, các bài toán phức tạp sẽ giảm bớt đi.

Học sinh tham dự kì tuyển sinh 10 vừa qua tại Hội đồng thi THCS Thanh Đa - Bình Thạnh, TP HCM.

Trả lời câu hỏi: Lộ trình của thành phố năm 2018 mới bắt đầu triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới, vậy việc đổi mới tuyển sinh 10 ngay trong năm nay, có vội vã hay không? ông Tiến cho rằng, việc đổi mới không thể đột ngột nhưng cũng không thể trễ quá. Theo đó vẫn giữ khung, cấu trúc bài thi cũ, chỉ thay đổi về phương pháp tiếp cận và ở một mức độ nào đó.

Được biết, một "kì vọng" của ngành Giáo dục thành phố trong tuyển sinh lớp 10 mới, đó là sẽ ra đề theo hướng đạt được 2 mục tiêu: Vừa lựa chọn được HS học kiến thức cơ bản, vừa đạt yêu cầu chọn HS có kĩ năng kết hợp kiến thức và thực tiễn, có khả năng tự rèn luyện, tự học. Trong đó, 80% nội dung là phần cơ bản, vận dụng, còn 20% tư duy, nâng cao. Và theo ông Tiến, một đề thi phân hoá theo tỉ lệ như trên là không cao lắm. Trong đó các kiến thức tích hợp các thầy cô sẽ dẫn giải cho HS bằng cách lồng ghép vào bài học. Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hơn trong đề mẫu chi tiết.

Không máy móc, nóng vội

Em Ánh Vy, HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, cho biết: “Chúng em hiện rất lo lắng. Các thầy cô chỉ nói, đề thi năm nay sẽ rất khó, nhất là môn Toán, một nửa đề là kiến thức và vận dụng, trong đó có kiến thức của các môn khác như Lý, Hóa, Sinh, Địa. Môn văn sẽ theo hướng đề "mở", sử dụng cả lĩnh vực sử, địa trong đề thi. Chúng em chưa hiểu gì hết".

Cũng theo HS này, chính vì quá lo lắng nên ngay từ sau ngày khai giảng, cha mẹ đã buộc các em phải đi học thêm hết các môn chính: Toán, lý, hoá, Văn và Anh Văn. Ngày nào cũng vậy, kết thúc trên trường là em phải lo chạy tới lớp học thêm ngay, kể cả chủ nhật vì nếu không tăng tốc sẽ không theo kịp.

Trao đổi thêm về vấn đề cấu trúc đề thi 10 mới sẽ tích hợp, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Hội cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ trước tới nay thi tuyển 10, HS chỉ thi 2 môn chính là toán, văn, thêm môn thứ 3 của TP Hồ Chí Minh thường là ngoại ngữ. Định hướng thi tích hợp có thể vì yêu cầu HS phải học toàn diện, để không học lệch. Nhưng đề thi ra như thế nào để tránh máy móc, nóng vội; tránh kiểu dồn kiến thức thành một mớ "tả pín lù".

Thứ nữa, áp lực nảy sinh trong tuyển sinh 10 vì chỉ tiêu vào trường công, các trường không thể lấy số lượng nhiều hơn. Nhưng đã là tuyển chọn, phải làm theo chiều sâu. Theo đó, dựa theo sở trường, năng lực của HS mà có thể tách và tổ chức thi theo các cụm. Tuyển vào khối tự nhiên thì cần tổ chức cụm thi toán, lý, hoá, sinh; theo khối xã hội thì tổ chức thi theo cụm: Văn, sử, địa... Mục tiêu giáo dục cho HS toàn diện là phải đi vào năng lực của mỗi HS chứ không phải gộp hết kiến thức nhiều môn thi vào trong một đề thi. Vì như vậy, lại học ôm đồm, lại nặng việc đi học thêm, mà khó có một kì tuyển sinh chất lượng.

Không "thoát ly" khỏi sách giáo khoa

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh bày tỏ: "Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng biết định hướng mới của Sở GD&ĐT trong tuyển sinh vào lớp 10. Về cơ bản, tôi ủng hộ. Tuy nhiên mỗi lần ngành Giáo dục có đổi mới, đều tạo nên nỗi lo lắng cho HS và phụ huynh. Nhưng đề thi, hình thức thi thay đổi thì thầy cô là người lo trước tiên. Nên nhiệm vụ của Sở GD&ĐT là cần nhanh chóng có chỉ đạo quán triệt cho giáo viên các trường bắt kịp sự thay đổi này, để HS và phụ huynh an tâm".

Cũng theo ông Ngai, việc đổi mới là dạy học toàn diện cho HS là tốt nhưng phải có bước đi phù hợp. “Có thể dành ra thời gian 1 năm nữa mới thực hiện đổi mới thì nhà trường và HS chủ động hơn. Nếu trong trường hợp Sở GD&ĐT thấy rằng, các khâu đã chín muồi, cần đổi mới ngay thì cũng cần phải có chỉ đạo sớm, có những đề mẫu để nhất là giáo viên lớp 9 nắm bắt được, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, tập dượt cho HS thích ứng. Đề thi môn toán thay đổi nhiều nhất theo hướng vận dụng kiến thức thực tế, nhưng phải đảm bảo kiến thức học trong SGK. Tổ chức thi tích hợp cũng không thể nào "thoát ly" hay xa rời khỏi kiến thức trọng tâm trong SGK”, ông Ngai nói.

Huyền Nga
.
.
.