Nỗi lo bóng bàn Việt Nam
- Bóng bàn Việt Nam với SEA Games 2019: Không dễ “hái” vàng
- Bóng bàn Việt Nam: Làm thế nào để tận dụng chất xám chuyên gia?
- Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhận 500 triệu tiền tài trợ
- Bóng bàn Việt Nam vẫn giàu sức hút
Không thiếu lão tướng
Bóng bàn Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn khan hiếm tài năng trẻ. Đó cũng là đặc thù ở một bộ môn đòi hỏi tốn nhiều thời gian để có thể lên ngôi cao tại giải quốc nội. Không kể, cũng chỉ có trên chục địa phương, ngành phát triển bóng bàn đỉnh cao nên nguồn tài năng càng hiếm. Điều đó giải thích một phần lý do các lão tướng đã qua ngưỡng 32-33 tuổi vẫn có thể làm mưa, làm gió tại giải vô địch quốc gia hay Đại hội Thể thao toàn quốc.
Điều này càng thể hiện rõ ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 khi ngôi vô địch đơn nam thuộc về tay vợt kỳ cựu Đinh Quang Linh (Quân đội). Trong khi đó, tay vợt lớn tuổi khác là Trần Tuấn Quỳnh cũng góp công lớn vào tấm Huy chương vàng (HCV) đôi nam và đồng đội nam của đội Hà Nội.
Ngay cả tay vợt kỳ cựu khác là Đoàn Kiến Quốc dù đã chuyển sang công tác huấn luyện nhưng vẫn hữu dụng ở nội dung đồng đội. Chính anh góp phần giúp đội Khánh Hòa giành tấm Huy chương đồng (HCĐ) đồng đội nam đầy quý giá, qua đó hoàn thành chỉ tiêu huy chương tại Đại hội. Tại Đại hội đó, khi sang tuổi 40 Đoàn Kiến Quốc là VĐV lớn tuổi nhất giành huy chương.
Trong danh sách đăng ký thi đấu tại giải vô địch quốc gia năm nay, những cái tên kỳ cựu vẫn tiếp tục xuất hiện. Đinh Quang Linh, Lương Thị Tám (Quân đội), Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng (Hà Nội T&T), Đoàn Kiến Quốc, Đoàn Trọng Nghĩa (Khánh Hòa) tiếp tục là những cái tên gây chú ý nhất.
Trong số này, Đinh Quang Linh vẫn được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch đơn nam dù nội dung này có sự tham dự của Nguyễn Anh Tú (Hà Nội). Chuyện trở nên bình thường nếu biết rằng Đinh Quang Linh vẫn thường tập trung vào nội dung đơn nam, nơi anh có thể phát huy được những phẩm chất tốt nhất của mình.
Tay vợt kỳ cựu Đinh Quang Linh tiếp tục là ứng cử viên sáng giá vô địch quốc gia năm 2019. |
Còn Nguyễn Anh Tú thường phải bung sức ở mọi nội dung tham dự để giành tối đa HCV cho đội Hà Nội. Vì vậy, đến nội dung đơn, nội dung thi đấu cuối cùng của giải, tay vợt hàng đầu Việt Nam này thường không đạt phong độ tốt nhất, trong đó hành trình thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc vừa qua là ví dụ. Ở đó, Nguyễn Anh Tú góp công lớn vào tấm HCV đồng đội nam và đôi nam nhưng đến bán kết đơn nam lại phải dừng bước.
Còn những Lương Thị Tám (Quân đội), Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng (Hà Nội T&T), Đoàn Kiến Quốc, Đoàn Trọng Nghĩa (Khánh Hòa) vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong hành trình giành huy chương của các đội. Đấy là điều đáng nể nhưng cũng mang lại không ít băn khoăn về tốc độ tiến bộ của các tay vợt trẻ. Đương nhiên, người ta mong muốn thấy các tay vợt trẻ có thể chứng tỏ sớm kế thừa được các đàn anh, đàn chị. Tuy nhiên, đến lúc này chỉ là sự thắc thỏm…
Đợi quyết định từ sân chơi SEA Games
Nếu như cách đây 2 năm, những nhà quản lý bóng bàn Việt Nam có thể tự tin nói về tiêu chí tuyển chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games lần thứ 29 thì đến kỳ này lại có sự do dự nhất định. 2 năm trước, tất cả đều biết rằng SEA Games 29 sẽ có đủ 7 nội dung thi đấu (đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam – nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ). Từ đó, số VĐV được chọn tham dự SEA Games 29 sẽ là tối đa 5 nam, 5 nữ.
Nhờ vậy, những nhà quản lý dễ dàng đưa ra phương án chọn 4 VĐV nam, 4 VĐV nữ xếp đầu ở giải vô địch quốc gia tham dự SEA Games 29. Tay vợt nam, nữ còn lại sẽ do Ban huấn luyện lựa chọn, căn cứ vào thành tích tại giải vô địch quốc gia cũng như nhu cầu con người ở các nội dung, nhất là nội dung đôi. Cách tuyển chọn này diễn ra khá êm thấm, hầu như không gây thắc mắc, điều tiếng.
Thực tế, cũng đã có tay vợt định thắc mắc về việc chọn tay vợt thứ 5 ở đội nam nhưng lại thôi. Cũng từ đó, bóng bàn Việt Nam trải qua một mùa tuyển chọn đội tuyển quốc gia cho SEA Games trong yên ắng. Điều này tác động tích cực đến hành trình khó tin của bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 29. Trong đó, lần đầu tiên kể từ khi hội nhập trở lại đấu trường SEA Games (từ năm 1989), bóng bàn Việt Nam giành ngôi vô địch đồng đội nam.
Nhưng đến trước SEA Games 30 này, những thông tin bất lợi bay về với bóng bàn Việt Nam. Số nội dung thi đấu của SEA Games kỳ tới giảm hơn hẳn so với SEA Games 29. Theo đó, nội dung đồng đội không có trong chương trình thi đấu. Điều đó đồng nghĩa với số lượng VĐV được tuyển chọn vào đội tuyển cũng ít hơn hẳn. Từ đó đặt ra bài toán khó cho nhà quản lý và Ban huấn luyện, chuyên gia ngoại của đội tuyển. Đến lúc này, những người có trách nhiệm cũng chưa chốt được số VĐV tham dự SEA Games 30.
Theo ông Phan Anh Tuấn – Trưởng bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT), Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, số lượng VĐV bóng bàn Việt Nam dự SEA Games 30 sẽ phải phụ thuộc vào cuộc họp tới của Liên đoàn Bóng bàn Đông Nam Á về nhân sự tham dự SEA Games 30.
Khả năng VĐV muốn tham dự nội dung đôi thì phải tham dự nội dung đơn (thường chỉ có 2 tay vợt mỗi nước được góp mặt) đang được đặt ra, khiến bóng bàn Việt Nam thấy rõ sự bất lợi về nhân sự. Trong trường hợp nội dung đôi chỉ có 2 tay vợt của mỗi nước tham dự, bóng bàn Việt Nam sẽ chỉ có 2 tay vợt nam, 2 tay vợt nữ được dự SEA Games 30. Còn nếu các nhà tổ chức SEA Games 30 chấp thuận phương án VĐV dự nội dung đôi không nhất thiết phải dự nội dung đơn thì danh sách đội tuyển bóng bàn Việt Nam sẽ dài hơn.
Ông Phan Anh Tuấn cho hay sẽ có động thái mạnh mẽ tại cuộc họp về tổ chức môn bóng bàn ở SEA Games 30 diễn ra trong thời gian tới nhằm tăng số VĐV Việt Nam tham dự. Tuy nhiên, trước mắt sẽ không áp dụng tiêu chí tuyển chọn VĐV dự SEA Games 30 thông qua thành tích tại giải vô địch quốc gia năm nay. Sau giải, Ban huấn luyện, chuyên gia ngoại sẽ bàn bạc quyết định chọn nhân sự để bảo đảm tối đa thành công cho đội tuyển.
Đúng là khi điều lệ thi đấu từng môn của SEA Games thay đổi xoành xoạch, các nước tham dự cũng phải lựa cách tuyển chọn phù hợp. Đương nhiên, nhà quản lý, HLV, VĐV cũng phải thắc thỏm nhưng có lẽ không còn cách nào khác, trừ khi những nhà tổ chức SEA Games cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững về số môn và nội dung thi đấu trong chương trình Olympic, ASIAD cho sân chơi này.
Không chỉ là câu chuyện của bóng bàn Câu chuyện cắt giảm nội dung thi đấu dẫn đến giảm số vận động viên tham dự SEA Games 30 ở môn bóng bàn cũng giống nhiều môn khác trong Đoàn thể thao Việt Nam. Ở môn bi sắt, nếu SEA Games 29 có 11 nội dung thì đến SEA Games 30 cũng chỉ còn 4 nội dung. Vì vậy, đội tuyển bi sắt Việt Nam cũng chỉ có tối đa 12 VĐV được góp mặt thay vì khoảng 20 VĐV (kỳ SEA Games trước, bi sắt có 16 VĐV Việt Nam tham dự). Cũng vì thế, tại giải vô địch bi sắt toàn quốc năm 2019 mới diễn ra hồi đầu tháng 5 này, sự cạnh tranh giữa các đoàn để giúp VĐV nhà có suất dự SEA Games 30 được đánh giá là nóng bỏng, khốc liệt. Minh Hà |