Bóng bàn Việt Nam với SEA Games 2019: Không dễ “hái” vàng

Thứ Sáu, 29/03/2019, 08:13
Ngay khi nước chủ nhà SEA Games lần thứ 30 năm 2019 -  Philippines công bố các nội dung thi đấu của môn bóng bàn, các nhà quản lý và giới chuyên môn ở Việt Nam đã cảm nhận không ít khó khăn. 


Đội tuyển không có cơ hội bảo vệ tấm Huy chương vàng (HCV) đồng đội nam và đương nhiên đối mặt nguy cơ không thể giành HCV tại ngày hội thể thao khu vực. Đến lúc này, bóng bàn Việt Nam càng phải chuẩn bị kỹ phương án để giải quyết bài toán khó của mình.

Chấp nhận sự bất ổn về chương trình thi đấu

Thực tế, không chỉ bóng bàn mà nhiều môn thi đấu khác cũng trong cảnh bị cắt giảm nội dung thi đấu. Ở môn Pencak Silat, ngoài nội dung biểu diễn nữ, các nội dung đối kháng hạng cân nặng của nam cũng không có trong chương trình thi đấu. Môn bơi cũng có chuyện nội dung 800m nam đứng ngoài cuộc chơi SEA Games… Đấy đều là những nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam tại đấu trường châu lục chứ không chỉ ở Đông Nam Á.

Trong số này, hai nhà vô địch ASIAD 2018 ở môn Pencak Silat hạng cân nặng là Nguyễn Văn Trí và Trần Đình Nam khó có thể giảm tới 20kg để có thể góp mặt ở SEA Games 2019. Tương tự là trường hợp của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung 800m nam khi anh đang là Á quân ASIAD tại nội dung này và không có đối thủ ở Đông Nam Á.

Nguyễn Anh Tú nhận nhiều kỳ vọng ở SEA Games lần thứ 30.

Còn ở môn bóng bàn, trong 7 nội dung thi đấu thường thấy, nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ không có trong chương trình thi đấu của SEA Games lần thứ 30. Kỳ Đại hội này chỉ còn 5 nội dung thi đấu là đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ. Đáng chú ý, tại SEA Games lần thứ 29, tấm HCV của đội tuyển bóng bàn Việt Nam lại ở nội dung đồng đội nam.

Đó là tấm HCV lịch sử của bóng bàn Việt Nam kể từ khi tham gia đấu trường SEA Games từ năm 1989. Thế nhưng, với đặc quyền của nước chủ nhà SEA Games, Ban tổ chức của Philippines đã không đưa nội dung đồng đội vào chương trình thi đấu. Nếu xét về lý do chuyên môn, quyết định ấy thực sự khó hiểu. Nhưng với những gì đã diễn ra trong làng thể thao Đông Nam Á, đấy là chuyện bình thường.

Bởi ở đó, những môn thi đấu tại Olympic hoặc ASIAD hoàn toàn có thể bị loại khỏi chương trình thi đấu với những lý do khó hiểu. Chỉ biết rằng, hầu hết môn hoặc nội dung thi đấu bị loại đều mang đến lợi thế nhất định cho nước chủ nhà trong cuộc đua tranh ngôi vị toàn đoàn.

Vấn đề là các nhà quản lý và chuyên môn đã quá quen thuộc với chuyện này nên cũng dễ chấp nhận khi những nội dung và môn thi đấu thế mạnh của mình bị loại khỏi chương trình thi đấu. Cũng có những phản ứng nhất định với nước chủ nhà nhưng tất cả đều chấp nhận nếu nước chủ nhà không thay đổi quyết định.

Trong trường hợp của môn bóng bàn tại SEA Games lần thứ 30, các nhà quản lý và chuyên môn của Việt Nam cũng phải chấp nhận. Ngay lúc này, khả năng “trắng” HCV tại SEA Games tới đã được đặt ra.

Không dễ giải bài toán HCV

Trong 5 bộ huy chương của môn bóng bàn tại SEA Games lần thứ 30, đương nhiên Singapore là ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch. Tất nhiên, điều này chỉ xảy ra với điều kiện Singapore tung toàn bộ tay vợt mạnh nhất vào cuộc chơi SEA Games – sân chơi vốn không còn được bóng bàn nước này giành bằng được HCV.

Thay vào đó, Singapore thường đưa các tay vợt trẻ thi đấu bên cạnh các tay vợt giàu kinh nghiệm. Chính việc thử nghiệm này đã khiến Singapore sa sảy ở một số kỳ SEA Games gần đây nên không thể giành toàn bộ HCV trong đó lần gần nhất, tại SEA Games lần thứ 29, đội nam Singapore đã thất bại trước các tay vợt Việt Nam trong trận chung kết.

Theo ông Phan Anh Tuấn – Trưởng bộ môn Bóng bàn (Tổng cục TDTT), hiện tại cơ hội giành ngôi vô địch tại SEA Games tới của bóng bàn Việt Nam đang tập trung vào nội dung đôi nam, đôi nam nữ và đơn nam. Ở nội dung đôi nam và đôi nam nữ, bóng bàn Việt Nam từng có vận động viên giành ngôi vô địch SEA Games như cặp Vũ Mạnh Cường – Ngô Thu Thủy ở SEA Games năm 2001, hay cặp Đinh Quang Linh – Đoàn Kiến Quốc ở SEA Games năm 2009.

Trước đó, bóng bàn Việt Nam cũng thường xem nội dung đôi là “mảnh đất” khai phá ngôi vô địch SEA Games. Nhưng rõ ràng, trong tình cảnh “đất chật người đông” như ở SEA Games tới, không dễ thực hiện mục tiêu.

Còn ở nội dung đơn nam, Nguyễn Anh Tú từng lên ngôi vô địch Đông Nam Á nhưng ít có khả năng lên ngôi ở SEA Games. Chính vì vậy, bài toán tập trung rèn giũa cho các tay vợt ở nội dung đôi cũng đang được tính toán cặn kẽ. Vấn đề còn phụ thuộc vào lực lượng vận động viên của đội tuyển tham dự SEA Games khi tiêu chí tuyển chọn đã được công bố.

Theo đó, chỉ những tay vợt trong nhóm 4 người dẫn đầu ở nội dung đơn tại Giải vô địch quốc gia năm 2019 và 1 tay vợt do Ban huấn luyện lựa chọn mới thuộc thành phần đội tuyển.

Trong trường hợp những tay vợt giỏi đánh đôi nhưng không giành thành tích tốt ở Giải vô địch quốc gia năm 2019 thì sẽ tạo nên cơn đau đầu không nhỏ cho Ban huấn luyện. Lúc ấy, kể cả chuyên gia Trung Quốc được mời dẫn dắt đội tuyển cũng khó đưa đội tuyển đạt mục đích chuyên môn, đáp ứng kỳ vọng.

Dù vậy như ông Phan Anh Tuấn chia sẻ, không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận cuộc chơi và mài sắc những nội dung thế mạnh. Còn nếu Singapore hay Thái Lan không đạt phong độ tốt hoặc cử các tay vợt trẻ tham dự thì cơ hội vô địch của bóng bàn Việt Nam hoàn toàn có khả năng biến thành hiện thực.

Phải chấp nhận phương án tuyển chọn

Ông Phan Anh Tuấn cho hay, phương án tuyển chọn vận động viên cho đội tuyển bóng bàn quốc gia tham dự SEA Games đã phát huy tác dụng trong thời gian qua nên đương nhiên vẫn được áp dụng. Đây vẫn được xem là giải pháp tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh những thắc mắc, lùm xùm không đáng có. (Minh Nhật)

Minh Khuê
.
.
.