Bóng bàn Việt Nam vẫn giàu sức hút

Thứ Ba, 23/10/2018, 17:15
Mới đây, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã nhận được gói tài trợ trong 2 năm dành cho các vận động viên đội tuyển quốc gia. Thêm một lần môn thể thao này chứng tỏ sức hút với các doanh nghiệp. Quan trọng nhất vẫn là những người có trách nhiệm phải luôn cho thấy nỗ lực thực sự vì Bóng bàn Việt Nam.

Thiếu kinh phí, khó đủ bề

Tại lễ ký kết mới đây giữa Công ty CP Thương mại và Đầu tư thế giới Công nghệ xanh với Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bóng bàn quốc gia Nguyễn Nam Hải đã kể lại câu chuyện cách đây vài tháng. 

Khi ấy đội tuyển Bóng bàn nam, nữ Việt Nam đứng trước cơ hội tham dự Giải Bóng bàn đồng đội thế giới 2018 tại Thụy Điển. Theo đó, Ban tổ chức đài thọ kinh phí cho 2 tay vợt nam, 2 tay vợt nữ, phía Việt Nam lo kinh phí cho các tay vợt còn lại. 

Thế nhưng cuối cùng, chỉ 3 tay vợt nam Việt Nam dự giải là Nguyễn Anh Tú, Đinh Quang Linh, Đoàn Bá Tuấn Anh. Còn các tay vợt nữ không thể tham dự. 

Đơn giản vì cả bộ môn Bóng bàn (Tổng cục TDTT) cũng như Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam không thể tìm được nguồn kinh phí (di chuyển, ăn ở) cho 1 tay vợt nữ còn lại, dù 2 tay vợt kia đã được Ban tổ chức giải đài thọ kinh phí. 

Trong khi đó, kinh phí tập huấn và thi đấu quốc tế năm 2018 của bộ môn Bóng bàn (Tổng cục TDTT) cũng không dư dả với khoảng 50.000 USD. Từng ấy tiền cũng chỉ ưu tiên để cả đội nam và nữ dự 3 giải cấp độ châu lục, khu vực Đông Nam Á và phần nào là nội dung nam ở Giải đồng đội thế giới.

Lễ ký hợp đồng tài trợ cho Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam.

Không thể góp mặt ở giải đấu cấp độ cao nhất trong làng bóng bàn thế giới cũng đồng nghĩa các tay vợt nữ Việt Nam mất cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. 

Cách đây 2 năm, họ từng được dự Giải đồng đội thế giới tại Đức và đã chứng tỏ được khả năng khi vào tứ kết nhóm 2. Còn trong một thời gian dài trước năm 2016, các tay vợt nữ cũng không được dự các giải thế giới cũng vì Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam không thể tìm được nguồn kinh phí tham dự. Các tay vợt nam vẫn được ưu tiên vì có nhiều khả năng mang về thành tích tốt hơn.

Nhưng chính các tay vợt nam cũng không hẳn được dự nhiều giải quốc tế. Việc tham dự 3-4 giải quốc tế trong một năm thực sự là ít nếu so với các tay vợt trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Những tay vợt hàng đầu của Thái Lan, Singapore dự cả chục giải quốc tế trong một năm nên trình độ luôn nhỉnh và đồng đều hơn các tay vợt Việt Nam hiện nay.

Với những người làm nghề, đó là nỗi trăn trở thực sự nhất là khi bóng bàn vẫn được tiếng giàu sức hút với các doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Có lẽ vì vậy mà chính HLV Nguyễn Nam Hải đã chủ động tìm các nguồn tài trợ để có thể giúp các tuyển thủ cải thiện chế độ, tăng cơ hội thi đấu quốc tế - yếu tố quan trọng nhất để có thể nâng cao trình độ của các tay vợt Việt Nam. 

Cuối cùng, Công ty CP Thương mại và Đầu tư thế giới Công nghệ xanh đã nhận lời tài trợ cho đội tuyển bóng bàn quốc gia với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm, bắt đầu từ 1-11-2018 tới 1-11-2020, trị giá 200 triệu đồng. 

Gói tiền mặt này sẽ được sử dụng để trang trải thêm các chi phí cho VĐV khi tham gia các giải trong và ngoài nước, đầu tư thêm các trang thiết bị chuyên môn mà ngân sách không thể lo nổi, thưởng nóng khi VĐV và các đoàn đoạt thành tích cao, hỗ trợ kinh phí di chuyển thi đấu quốc tế cho VĐV…

Hy vọng là sự khởi đầu

Câu chuyện doanh nghiệp hỗ trợ đội tuyển Bóng bàn quốc gia không mới trong làng bóng bàn Việt Nam. Nhiều năm trước đây, đội tuyển cũng từng được doanh nghiệp đồng hành. Nhưng vì những lý do tế nhị mà doanh nghiệp không còn gắn bó với đội tuyển.

Trong mấy năm qua, cuối cùng chỉ có đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia mới thu hút được sự quan tâm của một số Mạnh Thường Quân nhờ sự minh bạch, công khai trong cách nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ của mình. 

Nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, mà từ 2 năm nay, một số tay vợt trong đội được đi tập huấn tại Học viện Bóng bàn Trung Quốc ở Thượng Hải (Trung Quốc) – một trong những nơi nổi tiếng về đào tạo bóng bàn ở Trung Quốc. 

Ngoài ra, đội tuyển còn được các doanh nghiệp, đơn vị trong nước như World Sport, Viện dinh dưỡng quốc gia… hỗ trợ trang phục, dinh dưỡng phục vụ tập luyện, thi đấu.

Tuy vậy, đã có những tín hiệu tích cực về sức hút của bóng bàn Việt Nam nói chung với các doanh nghiệp. 

Hồi tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp Mofico đã quyết định gắn bó với Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam trong 5 năm, từ 2018 đến 2022, với bản hợp đồng tài trợ trang thiết bị và tiền mặt trị giá khoảng 1 tỷ đồng (thực tế giá trị phải vào khoảng 1,5 tỷ đồng). Và gần đây nhất là mối lương duyên của Liên đoàn với Công ty CP Thương mại và Đầu tư thế giới Công nghệ xanh.

Ông Phan Anh Tuấn – Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nói rằng: “Liên đoàn, bộ môn, cũng như ban huấn luyện đã tính toán kỹ lưỡng đưa ra những mức chi phí nhằm phục vụ cho công tác huấn luyện, luyện tập, chế độ của vận động viên, huấn luyện viên được hợp lý và hiệu quả nhất. Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam sẽ bảo đảm công khai, minh bạch trong việc sử dụng các khoản tài trợ để các nhà tài trợ yên tâm gắn bó với các hoạt động của Liên đoàn. Tôi cho rằng, niềm tin sẽ giúp các bên tìm đến với nhau, qua đó hỗ trợ tối đa cho các hoạt động của Bóng bàn Việt Nam”. 

Có lẽ vì vậy mà Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam không ngại công khai bản hợp đồng tài trợ của Công ty CP Thương mại và Đầu tư thế giới Công nghệ xanh cho Liên đoàn để thể hiện sự công khai, minh bạch của mình.

Còn HLV Nguyễn Nam Hải cho biết: "Theo quy định, nguồn ngân sách dành cho các VĐV đội tuyển được tính đồng đều như nhau, nên muốn có nguồn đầu tư thêm cho các tay vợt chủ lực, góp phần tạo thành tích đột phá, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn xã hội hóa". 

Thực tế, Bóng bàn Việt Nam đã bước đầu cho thấy sức hút trở lại với các doanh nghiệp. Giờ là lúc các nhà quản lý phải cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đã được đặt đúng chỗ.

Khoản tài trợ di chuyển khủng với đội tuyển cờ vua

Tháng trước, đội tuyển cờ vua Việt Nam với 12 thành viên tham dự Giải Cờ vua đồng đội thế giới 2018 tại Georgia với sự hỗ trợ kinh phí di chuyển của HDBank lên tới 30.000 USD. Đây là khoản hỗ trợ kinh phí di chuyển thi đấu quốc tế lớn nhất với cờ vua Việt Nam. 

Trong khi đó, một số môn cũng gặp khó khăn về kinh phí nên VĐV phải tự túc khi dự giải quốc tế. Ngay ở Giải Vật Đông Nam Á 2018 vào tháng 11 tới ở Philippines, nhiều đô vật Việt Nam dự giải từ nguồn kinh phí tự túc. Số đô vật này cũng chỉ hy vọng sẽ lấy tiền thưởng từ việc giành huy chương để bù vào kinh phí dự giải.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.