CLB Viettel sẽ viết tiếp thương hiệu “đội bóng áo lính”?

Thứ Sáu, 28/09/2018, 07:22
Nếu CLB bóng đá Viettel giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với CLB Bình Phước ở Giải hạng Nhất vào ngày 29-9, đội bóng áo lính này sẽ được thăng hạng lên chơi ở Giải vô địch quốc gia V.League. Khi đó, gần như chắc chắc đội bóng này sẽ lấy lại tên cũ CLB Thể Công – một cái tên với quá khứ huy hoàng để mở ra tương lai xán lạn phía trước.


Quá khứ huy hoàng

Có lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, Thể Công là CLB giàu thành tích bậc nhất làng bóng đá Việt Nam. Năm 1955, giải bóng đá đầu tiên của toàn miền Bắc được tổ chức, đội Thể Công tham gia hai đội hình A và B với nòng cốt gồm nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trường Sĩ quan Lục quân. Và khi ấy, cả hai đội đã đều giành chức vô địch của hai hạng đấu nêu trên.

Từ năm 1955 đến năm 1979, Thể Công đã có tổng cộng tới 13 lần vô địch giải bóng đá miền Bắc. Là đội bóng mạnh nhất của đất nước, Thể Công có nhiều dịp được thi đấu giao hữu với các đội bóng đá nước ngoài, trong đó có cả chiến thắng trước đội tuyển quốc gia Cuba, một đội tuyển rất mạnh thời ấy.

Cũng trong khoảng thời gian này, Thể Công sở hữu lứa cầu thủ tiêu biểu gồm: Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải... Thêm vào đó, Thể Công lúc ấy còn có lớp cầu thủ kế cận được gửi đi tập huấn dài hạn, bài bản ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành khóa học và trở về nước, nhiều cầu thủ trong số này đã trở thành những cái tên xuất sắc của bóng đá Việt Nam.

Trung vệ Bùi Tiến Dũng là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của CLB Viettel. Ảnh: zing.vn

Năm 1980, giải Vô địch Quốc gia được tổ chức lần đầu tiên. Sau đó, Thể Công vẫn luôn là đội bóng mạnh nhất Việt Nam với 5 lần vô địch. Các cầu thủ Thể Công luôn là nòng cốt của đội tuyển quốc gia và đóng góp rất nhiều cầu thủ trong lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, như thủ môn Trần Tiến Anh, các cầu thủ Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Phạm Như Thuần, Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam, Vũ Công Tuyền...

Đến năm 2004, vì nhiều lý do mà Thể Công đã bị xuống hạng. Trải qua nhiều thăng trầm, đến năm 2009, Thể Công Viettel đứng thứ 9/14 và đã chính thức bị giải thể. Tên gọi CLB Thể Công – một cái tên hào hùng của những người yêu đội bóng áo lính cũng mất đi từ ấy.

Năm 2012, đội bóng khoác áo lính được đầu tư trở lại khi được thành lập  Trung tâm bóng đá Viettel chơi ở giải hạng Ba. Sau đó đội giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhì (2013) và hạng Nhất (2016).

Đến năm 2016, trong trận tranh vé vớt giành suất thăng hạng lên chơi V.League, CLB Viettel gồm những trung vệ Bùi Tiến Dũng, Văn Đức, Trọng Đại, Dương Văn Hào… đã để thua tiếc nuối CLB Long An (xếp thứ 13/14 V.League) với những tên tuổi như Tài Em, Quang Thanh với tỉ số tối thiểu 1-0. Thiên đường đã dừng lại với CLB Viettel. Tiếp đó ở mùa giải 2017, Viettel vẫn chơi rất hay ở giai đoạn đầu của mùa giải nhưng họ vẫn chỉ cán đích ở vị trí thứ 4.

Tương lai rộng mở

Ở mùa giải năm nay, mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Với đội hình chất lượng, CLB Viettel đã giành được thành tích rất ấn tượng. Trong buổi tiếp đón CLB Bình Phước vào ngày 29-9 này, nếu giành chiến thắng, Viettel sẽ chính thức vô địch giải hạng Nhất trước một vòng đấu và đồng thời sở hữu tấm vé thăng hạng lên chơi giải Vô địch quốc gia V.League. Hơn đội đứng thứ 2 đến 5 điểm, gần như Viettel đã chắc chắn giành được tấm vé này.

Trên fanpage của CLB Viettel cách đây từ nhiều tháng đã đăng status khẳng định nếu Viettel giành được quyền thăng hạng, họ sẽ được lấy lại cái tên hào hùng một thời – CLB Thể Công. Và có thể hi vọng rằng, với tiềm lực hùng mạnh của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel cùng với trung tâm đào tạo bóng đá hàng đầu cả nước, đội bóng áo lính sẽ viết tiếp tương lai huy hoàng mà CLB Thể Công ngày nào đã từng có được.

Trung tâm thể thao Viettel hiện là một trong số ít trung tâm đào tạo bóng đá chuyên nghiệp được đầu tư rất hiện đại và bài bản. Hiện, Trung tâm đào tạo các lứa từ U11 đến U19 để cung cấp các cầu thủ chất lượng. Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các kỳ thi tuyển chọn những cầu thủ nhí có năng khiếu trên khắp cả nước.

Những cầu thủ nhí được chọn trước tiên sẽ được huấn luyện tạm tại các trung tâm bóng đá vệ tinh của Viettel đóng tại Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Nai. Nếu vượt qua được các thử thách ở các lò đào tạo này, các tài năng mới được chuyển về huấn luyện tại đại bản doanh chính của Trung tâm ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Tại đây, các cầu thủ sẽ trải qua các cuộc kiểm tra định kỳ về sức khỏe, trình độ văn hóa, thể lực và trình độ chuyên môn. Chỉ cần không vượt qua được một trong những cuộc sát hạch trên, ngay kể cả một tài năng có kỹ năng đá bóng cũng sẽ bị loại. Giống như lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG, Trung tâm thể thao Viettel hết sức coi trọng trình độ văn hóa của các cầu thủ. Có lẽ, họ coi việc có trình độ văn hóa sẽ tỉ lệ thuận với khả năng tiếp thu chuyên môn cũng như lối sống và cách cư xử của cầu thủ ở trên sân cỏ.

CLB Viettel ở hiện tại và CLB Thể Công ở tương lai hiện đang có đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Họ gần như chắc chắn được thăng hạng chơi V.League; có sự đầu tư chiến lược, bài bản từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel; sở hữu nhiều cầu thủ có chất lượng cùng thế hệ kế cận. Và một yếu tố rất quan trọng, đó là đông đảo khán giả cả nước, trong đó có khán giả Thủ đô và những người từng yêu màu áo Thể Công đang chờ đón họ trở lại để viết tiếp những trang sử hào hùng của đội bóng áo lính ngày nào.

Vũ Cảnh
.
.
.