Nhật Bản có Chính phủ mới

Thứ Ba, 05/10/2021, 07:47

Tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Kishida Fumio chính thức được Hạ viện bầu giữ vị trí Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, mở đường để ông hiện thực hóa cam kết “chèo lái” đất nước vượt qua thách thức gây ra bởi COVID-19, cũng như góp phần đưa Nhật Bản đóng góp tích cực hơn nữa vào các vấn đề toàn cầu.

Ông Kishida Fumio, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản, tân Chủ tịch đảng LDP cầm quyền, đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 4/10 tại Hạ viện nước này với 311/458 phiếu ủng hộ, qua đó trở thành vị Thủ tướng thứ 100 của đất nước “Mặt trời mọc”, thay thế ông Suga Yoshihide, Nikkei đưa tin. “Đây thực sự là điểm khởi đầu. Tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao và tinh thần cương quyết”, ông Kishida phát biểu trước khi đảm nhiệm cương vị mới.

Cùng ngày, ông Kishida đã công bố danh sách 20 Bộ trưởng, bao gồm 13 gương mặt lần đầu tiên tham gia một nội các. Trong số họ có 3 phụ nữ, đảm trách các vấn đề công nghệ số, tiêm chủng vaccine và vấn đề dân số. Người trẻ nhất nội các là Bộ trưởng An ninh kinh tế, ông Takayuki Kobayashi, 46 tuổi. Tân Thủ tướng Nhật Bản giữ lại một số vị trí quan trọng từ chính phủ tiền nhiệm là Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo.

Đáng chú ý, ông Kishida đã lựa chọn ông Matsuno Hirokazu, người đã từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ trong chính quyền của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, làm Chánh Văn phòng Nội các. Đây là vị trí quan trọng thứ hai trong nội các, có nhiệm vụ điều phối chính sách giữa các bộ, ngành và là người phát ngôn cao nhất Chính phủ Nhật Bản.

Nhật Bản có Chính phủ mới -0
Các nghị sĩ Nhật Bản vỗ tay chúc mừng ông Kishida Fumio trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản sau phiên bỏ phiếu ngày 4/10.  Ảnh: Reuters

Thủ tướng Kishida, 64 tuổi, sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị, cha và ông nội đều từng là nghị sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1982, ông Kishida làm việc tại một ngân hàng trước khi trở thành thư ký của một nghị sĩ Quốc hội từ năm 1987. Năm 1993, ông lần đầu được bầu vào Hạ viện. Từ 1999, ông Kishida đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong nội các và đảng cầm quyền, gồm vị trí Quốc vụ khanh phụ trách Okinawa và Vùng lãnh thổ phương Bắc vào năm 2007, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêu dùng vào năm 2008 và Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc hội của LDP năm 2011. Năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Abe và giữ chức vụ này cho tới tháng 8/2017.

Ông Kishida trở thành Thủ tướng chỉ gần một tháng trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 31/10 tới. Giới quan sát cho rằng, một trong những nhiệm vụ then chốt lúc này của ông Kishida là hàn gắn nội bộ LDP, vốn đã bộc lộ nhiều rạn nứt sau cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo hồi tuần trước. Kế tiếp đó, ông cần đảm bảo đảng LDP giành đa số ghế tại Hạ viện trong kì bầu cử tới. Đây sẽ là một kì bỏ phiếu khó khăn với LDP khi 4 đảng đối lập, gồm đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và Reiwa Shinsengumi, đã liên kết để tìm cách vượt qua đảng cầm quyền.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Nhật Bản, vốn cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ ủng hộ giành cho chính quyền tiền nhiệm của ông Suga Yoshihide sụt giảm, tân Thủ tướng Nhật Bản rõ ràng đứng trước áp lực phải sớm ban bố các chính sách chống dịch thống nhất và hiệu quả, đồng thời cải thiện khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida đã kêu gọi soạn thảo gói kích thích kinh tế có trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen”. Ông cũng đề nghị duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, đồng thời ủng hộ tạm dừng thực hiện mục tiêu đưa cán cân ngân sách cơ bản của nhà nước trở lại trạng thái thặng dư vào năm 2025. Ngoài dịch bệnh, ông Kishida còn đương đầu một loạt vấn đề khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội,. Đây là những vấn đề mà hai người tiền nhiệm của ông chưa thể giải quyết.

Về đối ngoại, thách thức đáng kể nhất với ông là cân bằng quan hệ giữa Nhật Bản với các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida từng mô tả Tokyo là “tuyến đầu” của sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Vị tân Thủ tướng Nhật Bản khẳng định ông coi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là nền tảng để đối phó với các thách thức an ninh, song cũng đề cao quan hệ hợp tác kinh tế cùng Trung Quốc, bởi Bắc Kinh là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Tokyo. Đề cập đến vấn đề Triều Tiên, nhà lãnh đạo Nhật để ngỏ khả năng có cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp hoặc trong khuôn khổ đa phương.

Đáng chú ý, ông Kishida nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây là chiến lược từ thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe và được thúc đẩy mạnh mẽ thời gian qua. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cam kết tham gia duy trì hòa bình và ổn định ở Nhật Bản cũng như xung quanh Nhật Bản, đưa Nhật Bản trở thành một bên quan trọng bằng cách đóng góp tích cực vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Ông Kishida cũng tái khẳng định quyết tâm hợp tác với các nước thuộc Bộ tứ (QUAD - gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) cùng các đối tác tại khu vực và châu Âu.

Thiện Nhân
.
.
.