Thách thức chờ đợi người kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide

Thứ Năm, 30/09/2021, 08:42

Với việc giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio gần như chắc chắn sẽ thay thế ông Suga Yoshihide trở thành Thủ tướng tiếp theo của xứ sở Mặt trời mọc.

Chiến thắng bất ngờ

Trước đó, ông Kishida Fumio và Bộ trưởng Cải cách hành chính Kono Taro đã đánh bại hai ứng viên còn lại là cựu nữ Bộ trưởng Nội vụ Takaichi Sanae và cựu nữ Bộ trưởng Bình đẳng giới Noda Seiko trong cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên hôm 28/9, song đều không giành được đa số phiếu. Do vậy, ông Kishida và Kono phải cạnh tranh trực tiếp tại vòng bầu cử thứ hai với 429 phiếu bao gồm 382 phiếu của nghị sĩ Quốc hội và 47 phiếu từ đại diện các tỉnh thành trên cả nước.

Thách thức chờ đợi người kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide -0
Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 29/9. Ảnh: Reuters.

Theo kết quả cuối cùng được công bố hôm 29/9, với việc có được tổng số 257 phiếu bầu, ông Kishida Fumio đã giành chiến thắng trước ông Kono Taro khi ứng viên này chỉ có được cho mình 170 phiếu, qua đó trở thành tân Chủ tịch đảng LDP. Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp bất thường vào ngày 4/10 tới để bỏ phiếu chính thức bầu ra Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản. Do LDP được cho là vẫn sẽ duy trì thế đa số trong quốc hội, ông Kishida gần như chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Suga Yoshihide.

Cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng đương nhiệm Suga Yoshihide bất ngờ tuyên bố không tái tranh cử chức vị trí lãnh đạo đảng sau một năm cầm quyền, với nguyên nhân chính được cho là do tỷ lệ ủng hộ sụt giảm liên quan tới chính sách đối phó với đại dịch COVID-19. Khác với cuộc bầu cử chủ tịch LDP năm ngoái khi đa số các phe phái lớn trong đảng cầm quyền đều dồn phiếu cho ông Suga Yoshihide, khoảng cách giữa các ứng viên trong cuộc bầu cử năm nay được cho là sát sao bất thường và khó dự đoán hơn, bởi hầu hết các phe trong đảng đã quyết định không ủng hộ một ứng viên cụ thể nào mà cho phép các thành viên tiến hành bỏ phiếu tự do.

Ông Kishida, 64 tuổi, giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản giai đoạn 2012-2017 dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe và từng được coi là nhân vật có khả năng kế nhiệm ông Shinzo Abe khi ông quyết định vào cuối tháng 8/2020. Tuy nhiên, nghị sỹ đến từ tỉnh Hiroshima này chỉ đứng ở vị trí thứ hai trong cuộc chạy đua tranh chức chủ tịch LDP năm ngoái, sau Thủ tướng Suga.

Thách thức nhãn tiền

Nếu được bầu làm Thủ tướng kế nhiệm ông Suga, ông Kishida với cương vị Chủ tịch LDP và tân Thủ tướng sẽ đối mặt với một chương trình nghị sự dày đặc và những thách thức lớn, không chỉ riêng do dịch bệnh gây ra mà còn cả các vấn đề trong và ngoài nước khác. Trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida đã đưa ra 3 cam kết và 3 chính sách cần phải thực hiện. Ba cam kết là: Lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; Hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; Hướng tới xã hội chia sẻ. Ba chính sách gồm: Dồn sức thực hiện chính sách ngăn ngừa đại dịch COVID-19; Xây dựng chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản; Chính sách đảm bảo an ninh ngoại giao.

Trước mắt, ông Kishida sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc hoàn thành đợt triển khai tiêm chủng COVID-19 vốn đang nhận nhiều chỉ trích, tiếp đó là việc chỉ đạo công cuộc phục hồi sau đại dịch của Nhật Bản. Khi tranh cử, ông Kishida đã kêu gọi thiết lập cơ quan quản lý khủng hoảng y tế đóng vai trò như một bộ chỉ huy, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác của người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Ông cũng cho biết sẽ tạo lập môi trường để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế và đặt mục tiêu "khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội tới gần mức bình thường càng sớm càng tốt". Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cần phải "xem xét nghiêm túc hệ thống phong tỏa theo kiểu Nhật Bản, có sự kết hợp giữa giấy chứng nhận tiêm vaccine và chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19".

Cùng với đó, ông Kishida cũng cam kết chi hàng chục nghìn tỷ yên để kích thích nền kinh tế, trong đó dành sự ưu tiên cho những người có thu nhập thấp hơn, các khu vực khó khăn và ngành du lịch. Điều này sẽ đưa Nhật Bản tiến xa hơn khỏi những chính sách kinh tế "Abenomics" mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra, khi những lợi ích thu được từ "Abenomics" đang tập trung vào một số công ty nhất định, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội tại đất nước Mặt trời mọc.

Về đối ngoại, giới quan sát nhận định nhiều khả năng sẽ không có thay đổi lớn. Tân chủ tịch LDP từng nhấn mạnh về sự cần thiết phải nâng cao khả năng phòng thủ của Nhật Bản và tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và cam kết vì một khu vực Ấn Độ Dương -  Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với các thành viên nhóm Bộ tứ Kim cương bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ; duy trì các mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc do nước này vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, nhưng cũng khẳng định rằng Tokyo cần bảo vệ các nguyên tắc của mình. Ông Kishida đồng thời lưu ý tình hình ở quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư), cũng như các diễn biến ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Liên quan vấn đề lãnh thổ, lãnh hải, ông Kishida nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải xem xét lại và có thể phải sửa đổi các luật điều chỉnh khả năng tương tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG, tức cảnh sát biển Nhật Bản). "Chúng ta phải cố gắng đảm bảo an toàn hàng hải thông qua các biện pháp như tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển và cho phép họ phối hợp nhịp nhàng với SDF", ông Kishida nhấn mạnh.

Giới phân tích cho rằng, sự điềm đạm cùng kinh nghiệm chính trường dày dặn sẽ là nền tảng vững chắc giúp tân Chủ tịch đảng LDP cầm quyền Kishima Fumio lãnh đạo đất nước Nhật Bản phát triển. Cuộc bỏ phiếu ngày 29/9 có thể là bài kiểm tra đầu tiên, song chắc chắn không phải cuối cùng dành cho người chiến thắng.

Cao Trung (Tổng hợp)
.
.
.