Mong manh thỏa thuận ngũ cốc Ukraine qua ngả Biển Đen

Thứ Sáu, 28/10/2022, 07:47

Liên hợp quốc quyết liệt tìm giải pháp kéo dài thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua ngả Biển Đen thêm một năm, nhưng các khúc mắc chưa được hóa giải của Nga xung quanh văn kiện này có thể khiến nỗ lực gia hạn “đổ bể”.

Sau cuộc đàm phán diễn ra tại Thủ đô Moscow của Nga cách đây ít hôm, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths ngày 27/10 thông báo, ông “tương đối lạc quan” về khả năng thỏa thuận do LHQ làm trung gian mở đường cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng tại Biển Đen sẽ được gia hạn vào nửa cuối tháng 11/2022, Reuters đưa tin.

Ông Griffiths đến Nga cùng quan chức phụ trách thương mại của LHQ Rebeca Grynspan. Thông tin chi tiết về hoạt động đàm phán ở Nga không được công bố. Người dẫn đầu phái đoàn Nga tham gia đối thoại là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Vershinin.

Thỏa thuận tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua ngả Biển Đen được Nga và Ukraine kí riêng biệt với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ hôm 22/7, có hiệu lực chỉ 120 ngày.

Theo nội dung văn kiện, một Trung tâm Điều phối chung (JCC) gồm đại diện LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập để giám sát tàu chở ngũ cốc từ khi chúng chất hàng hóa ở các cảng Ukraine tới khi chúng rời Biển Đen trên tuyến đường vạch sẵn dưới sự chấp thuận của Nga. Ngoài thỏa thuận trên, đại diện LHQ cũng đã kí với Nga một biên bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga ra thế giới với thời hạn 3 năm.

Mong manh thỏa thuận ngũ cốc Ukraine qua ngả Biển Đen -0
Ngũ cốc được bơm lên tàu hàng ở cảng Ukraine. Ảnh: NYTimes

Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì cung cấp cho thị trường thế giới. Ngoài ra, Nga còn là nhà sản xuất phân bón lớn.

Chiến sự nổ ra, Ukraine nói họ không thể đưa ngũ cốc ra thị trường do các cảng bên bờ Biển Đen bị phong tỏa, còn Nga gặp khó trong xuất khẩu nông sản và phân bón do các lệnh trừng phạt phương Tây.

Sau hơn 2 tháng thực hiện các thỏa thuận, JCC đến nay xác nhận 379 chuyến tàu đã đưa hơn 8 triệu tấn ngũ cốc Ukraine ra thị trường quốc tế, mang lại nguồn thu khổng lồ cho Kiev, đồng thời góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu hụt lương thực ở một số khu vực. Đại diện LHQ và Ukraine gần đây kì vọng họ có thể mở rộng số cảng xuất khẩu ngũ cốc từ 3 lên 4, trong bối cảnh có khoảng 150 con tàu đang ùn tắc tại các cảng để chờ nhận ngũ cốc. “Chúng tôi rất muốn thấy thỏa thuận được gia hạn ngay lập tức, ngay bây giờ. Điều này quan trọng đối với thị trường. Cần duy trì được tính liên tục. Và tôi vẫn tương đối lạc quan rằng chúng tôi sẽ đạt được điều đó. Chúng tôi đang hết sức nỗ lực”, Phó Tổng thư ký LHQ Griffiths nói thêm.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, Nga thể hiện không mặn mà với việc gia hạn các thỏa thuận, do LHQ chưa thể dỡ bỏ rào cản được tạo ra bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây với hoạt động xuất khẩu nông sản, phân bón của Moscow.

AP ngày 27/10 dẫn lời Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia xác nhận một loạt tàu chở phân bón của Nga hiện vẫn đang bị giữ tại các cảng ở châu Âu, dù Moscow sẵn sang “tặng số phân bón đó cho các quốc gia có nhu cầu” trước khi chúng quá hạn sử dụng, buộc phải tiêu hủy. Theo lời Đại sứ Nga, Moscow cần thấy “ngũ cốc và phân bón của mình xuất hiện trên thị trường thế giới”. “Chẳng có gì thay đổi sau vài tháng”, ông Nebenzia nói thêm. “Chúng tôi ghi nhận Tổng thư ký LHQ (Antonio Guterres) và nhóm của ông ấy đang cố gắng làm hết sức mình để xử lý vấn đề. Nhưng thật không may, giải pháp lại không chỉ phụ thuộc vào họ”.

Ngoài ra, Nga còn cho rằng, thỏa thuận ngũ cốc đã không phát huy hiệu quả tối đa. Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước cho biết, phần lớn ngũ cốc rời Ukraine qua Biển Đen không được đưa đến các nước nghèo nhất (như ở Trung Đông và châu Phi) - những nơi vốn cần lương thực hơn cả, mà là đến các nước châu Âu. “Với cách làm này, quy mô của các vấn đề lương thực thế giới sẽ chỉ tăng lên”, ông Putin nói và cảnh báo điều đó có thể dẫn đến “thảm họa nhân đạo chưa từng có”.

Hiện chưa rõ liệu các cuộc đàm phán giữa Nga và các bên liên quan có được tiến hành trước khi thỏa thuận ngũ cốc hết hạn hay không. Quan chức Indonesia hồi tháng 8 khẳng định Tổng thống Nga Putin sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại đảo Bali vào ngày 15/11 tới, dù Điện Kremlin đến nay chưa xác nhận thông tin này. Reuters dẫn lời quan chức ngoại giao châu Âu tin rằng, nếu ông Putin tới dự họp G20, “thỏa thuận ngũ cốc sẽ trở thành trọng tâm” và các nhà lãnh đạo “sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Putin gia hạn văn kiện”. Giới quan sát kì vọng, khả năng Nga và phương Tây đạt đồng thuận kéo dài thỏa thuận ngũ cốc Ukraine không chỉ giúp thế giới tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực, mà còn mở ra triển vọng nối lại các cuộc đối thoại nhằm sớm kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine.

Tàu ngũ cốc kẹt ở cảng Ukraine vì thủy lôi

Ngoài “tắc đường”, tàu chờ ngũ cốc Ukraine còn đối mặt mối nguy từ thủy lôi. Interfax dẫn thông tin của JCC cho biết, trong ngày 26/10, không một con tàu nào có thể đưa ngũ cốc rời cảng Ukraine do họ phát hiện có thủy lôi trên hành lang nhân đạo mà các bên vạch sẵn. Đến ngày 27/10, các con tàu đã di chuyển trở lại, nhưng với tốc độ chậm hơn và chúng phải được một tàu hậu cần hộ tống.

Thái Hà
.
.
.