Liên hợp quốc ủng hộ gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen

Thứ Bảy, 22/10/2022, 08:44

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 20/10 (giờ địa phương) cho biết thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen cần phải được gia hạn trước khi hết hiệu lực vào 19/11 tới. Theo Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), việc gia hạn thỏa thuận là cấp thiết và LHQ muốn gia hạn thỏa thuận này thêm 1 năm.

Tính đến 19/10, tổng lượng ngũ cốc và các mặt hàng thực phẩm khác được xuất khẩu thông qua thỏa thuận này đã lên tới gần 8 triệu tấn, trong đó hơn 70% là ngô và lúa mì. Thỏa thuận đã giúp làm hạ nhiệt giá cả lương thực trên thị trường. Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương Nông LHQ công bố cho biết giá cả các mặt hàng lương thực toàn cầu đã giảm khoảng 8,6% trong tháng 7, 1,9% trong tháng 8 và 1,1% trong tháng 9.

Theo UNCTAD, nếu không có thỏa thuận này, có ít hy vọng cho việc đảm bảo an ninh lương thực, nhất là ở những nước kém phát triển. Gần 20% lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraine đã được vận chuyển tới các nước kém phát triển. Thông qua thỏa thuận này, lượng lúa mì xuất sang các nước kém phát triển đã tăng gấp đôi từ tháng 8 đến tháng 9 vừa qua. Báo cáo của UNCTAD nêu rõ: “Sáng kiến do LHQ đứng đầu đã giúp bình ổn và tiếp đó làm giảm giá lương thực trên toàn cầu, đưa ngũ cốc từ một trong những vùng trồng ngũ cốc của thế giới tới những người đang cần lương thực”. Tuy nhiên, giá cả trong thời gian gần đây đã tăng trở lại do chưa rõ thỏa thuận này có được gia hạn hay không.

Liên hợp quốc ủng hộ gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen -0
Tàu M/V Razoni chở 26.000 tấn ngũ cốc rời cảng Odessa của Ukraine để tới Tripoli, Libya.

Trong khi đó, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Gennady Gatilov cho biết ít tiến bộ đạt được trong đàm phán mới nhất về tương lai của thỏa thuận này, đồng thời nhấn mạnh việc gia hạn thỏa thuận phụ thuộc vào việc đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả các thỏa thuận đạt được trước đây. Ông nêu rõ: “Trong các cuộc thảo luận với LHQ, chúng tôi đã nhấn mạnh lo ngại về việc thực thi các điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận bởi chúng tôi vẫn đang trải qua những rắc rối về mặt hậu cần thiết yếu”. Ông nhấn mạnh không có lý do tiếp tục một thỏa thuận nếu một phần của thỏa thuận chưa được thực hiện.

Chia sẻ quan điểm này, tại cuộc gặp với Phó Tổng thư ký LHQ Martin Griffiths, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin khẳng định, việc gia hạn thỏa thuận nhằm tạo điều kiện xuất khẩu nông sản Ukraine từ các cảng miền Nam “phụ thuộc trực tiếp vào việc đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả các điều khoản đạt được trước đây”. Phía Nga cho biết tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các dịch vụ logistics, thanh toán, vận chuyển và bảo hiểm đã ngăn nước này xuất khẩu phân bón và hóa chất như amoniac. Ngoài ra, việc nới lỏng các lệnh cấm này là một phần quan trọng của thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm trung gian hồi tháng 7.

Số liệu Bộ Nông nghiệp Ukraine công bố ngày 17/10 cho thấy kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của nước này trong 17 ngày đầu tháng 10 này chỉ thấp hơn 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh một số cảng biển bị phong tỏa và xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn.

Theo số liệu của bộ trên, Ukraine đã xuất khẩu 2,12 triệu tấn ngũ cốc, chủ yếu là ngô và lúa mì từ đầu tháng 10 đến nay, so với mức 2,17 triệu tấn vào cùng kỳ năm 2021. Số liệu cũng cho thấy quốc gia Đông Âu này xuất khẩu tổng cộng 10,8 triệu tấn ngũ cốc trong mùa vụ 2022/2023 so với con số 16,5 triệu trong cùng kỳ 2021/2022. Sản lượng mùa vụ này bao gồm 3,99 triệu tấn lúa mì, 5,88 triệu tấn ngô và 896.000 tấn lúa mạch. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý phần lớn ngũ cốc xuất khẩu là các lô hàng bắp bị tồn đọng do nông dân Ukraine không thể đưa ra khỏi đất nước này vào những tháng đầu năm nay. Họ cảnh báo các số liệu xuất khẩu vẫn có thể giảm trong tương lai vì nông dân trồng ít lúa mì hơn trong năm nay do chiến tranh, thiếu tiền và lao động cũng như chi phí phân bón cao.

Bà Elena Neroba, một nhà quản lý tại Maxigrain, công ty môi giới ngũ cốc Ukraina, nói: “Các điều kiện thực tế thật đáng thất vọng”. Bà cho biết, tính đến hôm 17/10, nông dân Ukraine đã trồng 2,5 triệu hecta lúa mì vụ đông so với 3,9 triệu hecta dự kiến ở những vùng của đất nước không bị Nga chiếm đóng. Theo bà, phân bón ít hơn hoặc có chất lượng thấp hơn cũng sẽ làm giảm năng suất lúa mì. Kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã sụt giảm kể từ tháng 2 năm nay khi xung đột khiến mùa màng tổn thất, cảng biển bị phong tỏa, đẩy giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực.

Trong một nỗ lực nhằm giải phóng nguồn cung và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, ngày 22/7 vừa qua, tại thành phố Istanbul, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận cho phép nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và Nga - hai quốc gia nằm trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, vốn bị gián đoạn do cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khuôn khổ thỏa thuận trên, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ đã nhất trí thành lập một trung tâm điều phối chung (JCC) để giám sát các tàu chở ngũ cốc.

Theo JCC, số chuyến tàu chở ngũ cốc đã rời các cảng ở Ukraine bên bờ Biển Đen trong khuôn khổ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tính đến ngày 16/10 đạt 345 chuyến và vận chuyển khoảng 7,7 triệu tấn lương thực. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày cho biết, Ukraine đã xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn ngũ cốc bằng đường biển. Theo ông, 60% lượng hàng này được chuyển đến các nước ở châu Phi và châu Á.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.