Lúa mì Ukraine được giải cứu, ngũ cốc Nga vẫn chất đống

Thứ Tư, 07/09/2022, 08:55

Nga cho biết họ vẫn chưa thể xuất khẩu bất cứ tàu ngũ cốc nào sau khi cùng Ukraine kí các thỏa thuận với Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai tháng.

Nga và Ukraine hồi tháng 7/2022 đã kí các thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc mở đường cho hoạt động xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt của Ukraine qua biển Đen; cũng như dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu với ngũ cốc và phân bón của Nga.

Lúa mì Ukraine được giải cứu, còn ngũ cốc Nga thì chưa -0
Tàu chở phân bón Nga neo đậu tại cảng ở Brazil. Ảnh: New York Times

Tháng rưỡi từ khi thỏa thuận có hiệu lực, Ukraine tuần trước nói rằng 61 tàu hàng đã rời cảng Ukraine trên biển Đen, đưa 1,5 triệu tấn lương thực ra thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya ngày 6/9 khẳng định, "chưa có bất cứ tàu Nga nào có thể đưa ngũ cốc Nga ra khỏi các cảng của Nga đi xuất khẩu". "Chúng tôi đã cố gắng đạt thỏa thuận, nhưng thỏa thuận đó chẳng lợi ích gì với Nga", ông nói.

Theo RiaNovosti, quan chức ngoại giao Nga không loại trừ việc Moscow sẽ chấm dứt thỏa thuận nói trên. Dù Nga và Ukraine kí các văn kiện 3 bên riêng biệt với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, việc thực thi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine rất cần sự ủng hộ của Moscow.

Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì cung cấp cho thị trường thế giới. Ngoài lúa mì, Nga còn là nhà sản xuất phân bón lớn. Chiến sự Ukraine nổ ra, Nga gặp khó trong xuất khẩu nông sản và phân bón do các lệnh trừng phạt phương Tây.

Cùng ngày, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích phương Tây không thực hiện những lời hứa được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra với Nga. "Họ không loại bỏ các biện pháp trừng phạt ngăn cản ngũ cốc và phân bón Nga tự do tiếp cận thị trường thế giới", ông Lavrov nhấn mạnh.

Theo Reuters, các thỏa thuận của Nga, Ukraine với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực 120 ngày. Ngay cả khi Nga không rút khỏi văn kiện, họ cũng có thể lựa chọn không gia hạn nó sau hơn 2 tháng nữa.

Vào thời điểm kí kết, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng mô tả các văn kiện là "ngọn hải đăng trên biển Đen", "ngọn hải đăng của hy vọng, ngọn hải đăng của niềm tin, ngọn hải đăng của sự cứu trợ với một thế giới đang cần nó hơn bao giờ hết".

Thái Hà
.
.
.