Đề án 06 tiếp tục được thực hiện hiệu quả, đạt kết quả tích cực
Từ tháng 5 đến nay, nổi bật nhất trong việc triển khai Đề án 06 là việc đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử.
Chiều 14/6, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chủ trì họp phiên thứ năm của Tổ công tác để rà soát việc triển khai Đề án 06 từ tháng 5/2022 và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, qua theo dõi của bộ phận thư ký Tổ công tác, công tác triển khai các nhiệm vụ của Đề án từ tháng 5 đến nay tiếp tục được đẩy mạnh và đã đạt được một số kết quả tích cực. Nổi bật nhất là việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử được đẩy mạnh, trong đó Bộ Y tế triển khai khám, chữa bệnh; Bộ Giáo dục và đào tạo đã triển khai đăng ký thi trực tuyến; Bộ Công an đã rất tích cực phân cấp mạnh đến tận Công an cấp xã với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân như: đăng ký xe mô tô đến cấp xã, cấp hộ chiếu online…
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành thành viên rà soát các nhiệm vụ được giao trong Đề án và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại các thông báo kết luận, đánh giá kỹ các nhiệm vụ chậm muộn, nguy cơ chậm muộn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cần khẩn trương ban hành hướng dẫn các nội dung công việc để Tổ công tác địa phương thực hiện, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã, theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 123, ngày 26/4/2022. Hiện nay, qua theo dõi mới có Bộ Công an, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện Đề án 06 theo ngành dọc.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, từng bộ, ngành thành viên Tổ công tác phải nêu gương, rà soát triển khai Hướng dẫn 1552 của Bộ Thông tin và truyền thông về thành phần công nghệ thông tin thiết yếu và tiêu chuẩn, định mức phục vụ triển khai Đề án 06. Từ đó, xác định hiện trạng hạ tầng, công nghệ thông tin để đề xuất giải pháp đầu tư kịp thời, cắt giảm việc đầu tư trùng dẫm và có phương án giải ngân kinh phí; khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo lộ trình đề ra tại Nghị quyết 50 của Chính phủ.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, thành viên Tổ công tác Bộ Tư pháp tiếp tục đôn đốc 13 bộ và 21 địa phương chưa có kết quả rà soát các văn bản pháp luật. Tổng hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về nội dung rà soát, tập trung vào các văn bản quy định về các thủ tục hành chính để triển khai dịch vụ công mức độ 3,4; các văn bản thực hiện việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin công dân, khi thực hiện tích hợp thông tin về giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… lên thẻ căn cước công dân (CCCD) để người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD thay cho các loại giấy tờ thì cần phải sửa đổi các văn bản nào để đảm bảo giá trị pháp lý.
Thành viên Tổ công tác Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để báo cáo Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử; thành viên Bộ Tài chính chỉ đạo sớm tập hợp, hoàn thiện, ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí/giá khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ trưởng Tô Lâm giao cơ quan Thường trực Tổ công tác cần khẩn trương hoàn thành phần mềm triển khai 2 thủ tục hành chính liên thông, đề xuất triển khai thí điểm tại địa bàn quận Cầu Giấy trước khi nhân rộng trên địa bàn cả nước; phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Kế hoạch triển khai thí điểm số hóa hồ sơ đối với quận/huyện chọn 1 xã/phường trên cả nước; Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ban hành hướng dẫn UBND các tỉnh thống nhất các nội dung thực hiện Đề án.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các thành viên Tổ công tác đại diện các bộ, ngành đã thảo luận đi thẳng vào các vấn đề như: Về tiến độ xây dựng quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục liên thông; công tác phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng phần mềm thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính; thực trạng công tác triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cấp tỉnh và các bộ, ngành; đánh giá kết quả triển khai Hướng dẫn 1552 của Bộ Thông tin và truyền thông về thành phần công nghệ thông tin thiết yếu và tiêu chuẩn, định mức phục vụ triển khai Đề án 06…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị bộ phận thư ký tập hợp các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác, các thành viên Tổ công tác tại phiên họp để đưa vào kết luận. Đối với các thành viên của Tổ công tác cần trực tiếp xuống cơ sở để khảo sát, đánh giá theo ngành dọc và có hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án 06 để hoàn thành sớm các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu… Đề nghị Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thành tài liệu Hội nghị sơ kết 6 tháng trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 5/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, UBND địa phương triển khai Đề án 06 theo đúng lộ trình, đặc biệt Chính phủ đã ban hành 1 Nghị quyết, 1 Chỉ thị đẩy mạnh việc phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia.
Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình đề án đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu, đi đầu của Bộ Công an với việc hoàn thành 9/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, thúc đẩy triển khai có hiệu quả 3 dịch vụ công, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực (Nhất là đối với 3 dịch vụ công thực hiện trong tháng 5; đăng ký tốt nghiệp THPT trực tuyến; cấp hộ chiếu phổ thông online; đăng ký, cấp biển số xe mô tô tại cấp xã) được dư luận đồng tình, ủng hộ đánh giá cao.
Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai theo lộ trình… Điển hình, đồng bộ 27,1 triệu thông tin BHXH để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ BHYT trong khám chữa bệnh (Sau gần 3 tháng triển khai đã có 294.328 lượt người khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD với 45,6% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp).