Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế:

"Kiểu rê dắt của Công Phượng phù hợp với... đá gôn tôm"

Thứ Tư, 05/04/2017, 09:50
Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế tin rằng Phượng có thể sẽ chơi tốt hơn nếu bản thân mình khắc phục được kiểu "rê bóng gôn tôm" và các HLV của Công Phượng ở Câu lạc bộ lẫn Đội tuyển Quốc gia "khai thác" Phượng một cách hợp lý hơn.


Là một người rất yêu quý và trân trọng tài năng của Công Phượng, chuyên gia bóng đá, cựu HLV Thể Công Trịnh Minh Huế thường xuyên chia sẻ với chúng tôi những góc nhìn của ông về cầu thủ này. Ông Huế tin rằng Phượng có thể sẽ chơi tốt hơn nếu bản thân mình khắc phục được kiểu "rê bóng gôn tôm" và các HLV của Công Phượng ở Câu lạc bộ lẫn Đội tuyển Quốc gia "khai thác" Phượng một cách hợp lý hơn.

PV: Rất nhiều cổ động viên ruột của Hoàng Anh Gia Lai có mặt ở sân Pleiku ở vòng 11 V.League vừa qua chia sẻ với tôi về sự khó chịu của họ trước những pha rê dắt bóng quá đà của Công Phượng. Họ bảo, rất nhiều tình huống đồng đội của mình đứng trống trải nhưng Công Phượng vẫn rê bóng rồi... mất bóng. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

Ông Trịnh Minh Huế (trái) và Kiatisak.

Chuyên gia Trịnh Minh Huế: Phượng là cầu thủ khéo. Khi gặp một hàng phòng ngự có trình độ dưới mình, sự khéo léo của Phượng dễ phát huy tác dụng. Nhưng khi gặp một hàng phòng ngự ngang ngửa mình, hoặc cứng một chút thì cái khéo ấy lại bộc lộ mặt trái của nó. 

Vì sao anh biết không? Vì giới bóng đá chúng tôi gọi kiểu đi bóng của Phượng là đi bóng tránh người, chứ không phải đi bóng sáng nước, để tạo ra đột biến thực sự. 

Đi bóng tránh người là cứ cầm quả bóng trong chân mình để tránh hết người nọ đến người kia, và đây là một kiểu đi bóng thường thấy ở những cầu thủ chơi gôn tôm. Nhưng chơi sân 7 người thì khác, sân 11 người lại càng khác. Ở sân 11 người, bên cạnh kiểu đi bóng tránh người, các cầu thủ cần phải học thêm những kiểu đi bóng khác, nhưng ở Công Phượng thì cái khác này chưa xuất hiện nhiều.

PV: Thực tế thì cũng có những tình huống kiểu đi bóng của Công Phượng đã làm nên những bàn thắng xuất thần cho Đội tuyển U.19 Việt Nam hay CLB Hoàng Anh Gia Lai đấy chứ. Nhưng tôi đồng tình với ông là số lần cầm quả bóng "đâm vào tường", rồi mất bóng của Phượng lớn hơn rất nhiều. Vậy Phượng phải làm gì để thay đổi?

Chuyên gia Trịnh Minh Huế: Phải trở lại cái gốc sâu xa, liên quan đến triết lý đào tạo cầu thủ của học viện JMG toàn cầu. Chắc anh cũng biết rồi, khi mở các học viện ở châu Á, châu Phi, JMG chủ trương đào tạo các cầu thủ có kĩ thuật để hy vọng sau này có thể bán cầu thủ kĩ thuật đó sang châu Âu. 

Nghĩa là họ cố gắng tạo ra những siêu kĩ thuật để có thể lắp vào những đội bóng vốn đã có những kiểu cầu thủ cần thiết khác ở châu Âu, chứ không chú trọng đến các yếu tố cần phải có của một cầu thủ - một đội bóng toàn diện như thể lực, chiến thuật. Chính vì nhận ra điều này nên sau một thời gian ngắn hợp tác với JMG, Thái Lan đã quyết định đóng cửa học viện.

Cũng chính vì cái lõi triết lý này mà không riêng gì Công Phượng, phần lớn các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai JMG đều có kĩ thuật tốt, nhưng thể lực và ý thức chiến thuật thì không tốt. Vấn đề mà anh đề cập, rằng Công Phượng chỉ nhất nhất rê bóng, chứ không chịu chuyền bóng có nguyên nhân sâu xa như vậy. Đòi hỏi Công Phượng phải sửa điều này là rất khó, nhưng khó thì vẫn phải đặt ra, vì chỉ có như thế cậu ấy mới lớn lên được.

PV: Cụ thể, nếu ông là HLV của Công Phượng, ông sẽ làm như thế nào?

Chuyên gia Trịnh Minh Huế: Hồi tôi còn làm HLV trưởng Thể Công, tôi cũng từng dẫn dắt những cầu thủ được mệnh danh là siêu kĩ thuật của bóng đá Việt Nam như Ba Đẻn, Cao Cường đấy chứ.

Hồi đó, chúng tôi lên đấu pháp rất chặt chẽ, đề nghị các cầu thủ này trong hoàn cảnh nào thì được phát huy sức sáng tạo cá nhân, trong hoàn cảnh nào thì phải chuyền bóng, thậm chí còn đề nghị rõ là phải chuyền vào đâu, chuyền như thế nào.

Tôi từng nói với thế hệ Ba Đẻn, Cao Cường, Phan Văn Mỵ... rằng khi tôi đã đề nghị chuyền bóng mà các anh không chịu chuyền, vẫn rê dắt cá nhân quá đà thì tôi sẽ kỷ luật nặng. Và thực tế những cầu thủ này khi vào sân đều thực hiện rất tốt các yêu cầu chiến thuật.

Trở lại với chuyện của Công Phượng, bên cạnh việc yêu cầu Phượng phải cải thiện ý thức chiến thuật để biết quan sát đồng đội và chuyền bóng nhiều hơn thì việc đặt cậu ấy ở đâu cũng là một vấn đề. Theo tôi, không thể đặt Công Phượng ở vị trí trung phong được.

PV: Vì sao, thưa ông?

Chuyên gia Trịnh Minh Huế: Vì Phượng không dày mình để có thể làm một cái trụ vững vàng. Phượng cũng không có tốc độ cần phải có của một trung phong. Những người đá trung phong như Từ Như Hiển, Ba Đẻn, Hùng Xồm... trước đây luôn là những người có thể chạy 100m từ 11 giây 5 trở xuống. 

Tôi không biết trong các buổi tập cụ thể, Phượng chạy 100m hết bao nhiêu giây, nhưng nhìn cách đá, cách chạy của Phượng trên sân bóng tôi thấy cậu ấy khó đạt mức 11 giây 5. 

Thêm nữa, Phượng thuộc mẫu "người lùn" trong bóng đá. Người lùn ở đây không phải được đo bằng những chỉ số đo lường thông thường, mà là tỷ lệ thân dài hơn chân, và mẫu cầu thủ như thế thường khó đá trung phong.

Ở CLB lẫn màu áo Đội tuyển Quốc gia, cứ để Phượng lùi xuống đá hộ công, và đề nghị cầu thủ hộ công này khi nào thì được phép sáng tạo, khi nào thì nhất định phải chuyền bóng, phối hợp đồng đội sẽ giúp cậu ấy dần khắc phục được những điểm yếu của mình. Tất nhiên phải có những HLV thực sự cá tính để "ép" Phượng thực hiện các yêu cầu chuyên môn này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bóng đá Việt Nam đang "đói" trung phong trầm trọng

"Quan sát Đội tuyển Việt Nam thời hậu Lê Công Vinh tôi thấy vị trí trung phong đang là một thiếu hụt rất lớn của chúng ta. Chẳng riêng gì Công Phượng đâu, tôi thấy toàn bộ các tiền đạo khác của Đội tuyển Việt Nam hiện nay đều không phù hợp đá trung phong, do vậy năng lực tấn công của chúng ta bị hạn chế khá nhiều. 

Nhìn vào sân chơi V.League, tôi nghĩ có một cầu thủ có những tố chất khá phù hợp để đá trung phong, đó là Nghiêm Xuân Tú của Quảng Ninh. Thời gian tới, nếu HLV trưởng Quảng Ninh, anh Phan Thanh Hùng hoặc HLV trưởng Đội tuyển, anh Nguyễn Hữu Thắng thử xây dựng Nghiêm Xuân Tú ở vị trí này, biết đâu sẽ có được những đáp án bất ngờ cũng nên". 

(Ngọc Anh)

Phan Đăng (thực hiện )
.
.
.