Bóng đá là trò chơi của những người đàn ông

Thứ Năm, 15/11/2018, 19:58

Đã nhiều lần chúng ta được nghe câu “bóng đá là trò chơi của những người đàn ông” nhưng thực tế, hiểu thế nào là một người đàn ông đúng nghĩa có thể khiến chúng ta nhìn bóng đá rất khác…


Trận chung kết UEFA Champions League 2017/18, ở phút 31, Sergio Ramos có pha tranh chấp với Mohamed Salah của Liverpool. Xem lại pha quay chậm, nhiều người thấy Ramos có hành vi khoá tay với Salah. Kết cục, Salah chấn thương rời sân ngay sau tình huống đó, Liverpool thua, Real dưới tay Zidane lần thứ 3 liên tiếp lên ngôi vô địch. 

Sau trận cầu, rất nhiều người đã chỉ trích Ramos, đại ý nói cầu thủ này là một kẻ chơi bẩn. Ít ai xem kỹ, trước khi Ramos khoá tay Salah, Salah cũng chủ động dùng tay để cài, đẩy đối thủ. Nói chung, cả hai đều tiểu xảo nhưng Ramos ở thế thắng nên vì thế thắng thế.

Pha bóng đó gợi lại cho chúng ta nhớ pha vào bóng của Payet với Ronaldo ở trận chung kết EURO 2016. Ronaldo cũng phải rời sân sau cú vào bóng đó. Payet đã xin lỗi nhưng nước mắt của Ronaldo đã khiến nhiều người mủi lòng. Và từ sự mủi lòng đó, Payet phải bị “hiến tế” trước công luận.

Nhưng song song với luồng quan điểm chỉ trích Ramos, Payet hay các cầu thủ mắc các lỗi tranh chấp tương tự, luôn tồn tại một luồn quan điểm cực kỳ vững chắc, bền bỉ, và mạnh mẽ cho rằng “bóng đá là trò chơi của những người đàn ông, của chiến binh, không phải của trẻ con, nên chuyện ‘va’ và ‘bị chơi xấu’ là bình thường”. Theo quan điểm này, không phải đàn ông, đừng bước vào sân bóng làm gì.

Thực tế, quan điểm này không sai. Bóng đá là trò đối kháng mạnh mẽ, thậm chí có lúc đôi phần thô bạo. Phải chịu va đập tốt mới có thể trở thành cầu thủ bóng đá được. Và càng lên cấp chuyên nghiệp hơn, bóng đá càng tiểu xảo tinh vi hơn. Không chịu nổi đau, khó lòng chơi chuyên nghiệp.

Song, phải chăng đàn ông chỉ là một khái niệm dành cho những kẻ chịu nổi va đập, chịu nổi đau, chống lại được tiểu xảo và cũng có tiểu xảo? Không thể nào. Đàn ông phải là một khái niệm khác về nghĩa bóng. Còn khái niệm kể trên chỉ hoàn toàn nghĩa đen, chỉ một con đực hoàn toàn. Về nghĩa bóng, đàn ông là phải cao thượng, lịch lãm, và đàng hoàng.

Cuối tuần trước, trước trận derby Manchester, HLV Pep Guardiola đã khiến tất cả phải giật mình, thậm chí là cả giới truyền thông. Khi được hỏi về Mourinho, đại kình địch của mình suốt nhiều năm qua, Pep chỉ nói rất đơn giản “Thực ra, khác với những gì các bạn nghĩ. Jose (Mourinho) và tôi là những người tốt, tốt hơn các bạn vẫn nghĩ nhiều. Cuối ngày, chúng tôi lại trở về nhà như những người tốt”.

Câu nói của Pep là chân thành, không phải ngoại giao. Đó là một nhận xét ngoài bóng đá. Và điều đó cho chúng ta nhận ra rằng, những đối địch, những “thù hận” mà chúng ta tưởng rằng có, hoá ra chỉ là cuộc chơi cạnh tranh trong 90 phút. Sau đó, họ trở về, vẫn là những người đàn ông thực sự, biết trân trọng người khác, biết gạt bỏ mọi ganh đua khỏi đầu. Đó chính là chất đàn ông.

Mới hôm qua, tờ The Times của Anh tiết lộ rằng, tiền vệ N’Golo Kante của Chelsea đã từ chối việc CLB trả tiền thù lao khai thác hình ảnh của mình, khoảng 8 triệu bảng Anh/ năm, qua một công ty hải ngoại để tránh thuế. Người tư vấn thuế của Kante đã email cho Chelsea rằng “Kante chỉ muốn lương bình thường của mình. Anh ấy không chấp nhận trốn thuế”.

Kante được biết đến là cầu thủ “tốt bụng” nhất hiện nay. Anh giản dị nhưng hiệu quả. Ngày còn chơi ở CLB Caen, anh lái chiếc xe Renault Megane “second-hand” và khi sang Leicester City, anh mới chịu đổi sang chiếc Mini Cooper, chiếc xe thực ra cũng khiêm tốn so với những xe sang khác của đồng đội.

Chính vì sự giản dị ấy, Kante luôn được yêu mến ở mọi nơi anh tới. Cả Les Bleus hát vang tên anh như một vinh danh không chỉ vì đóng góp của anh cho ĐTQG mà còn cho cả sự giản dị từ anh. Và hành động không chấp nhận trốn thuế của anh là vô cùng sòng phẳng. Nó càng đáng được trân trọng hơn ở thời đại mà rất nhiều ngôi sao bóng đá có vấn đề trầm trọng về thuế.

Cũng như Kante, Olivier Giroud cũng không chấp nhận nhận lương đã trốn thuế từ Chelsea. Họ chấp nhận khai báo 100% và trả mức thuế thu nhập lên tới 45%. Có thể ai đó nghĩ rằng họ điên. Nhưng thực tế, đó là sự sòng phẳng, dám làm dám chịu, cao thượng và lịch lãm. Và đó cũng là chất đàn ông đúng nghĩa mà thế giới bóng đá rất cần.

Vậy thì quay lại với khái niệm bóng đá là trò chơi của những người đàn ông, chúng ta có cần phải định nghĩa lại nó hay không, nhất là khi trong thế giới bóng đá hôm nay, nhiều khi những trò xấu lại được tôn vinh bằng mĩ từ, được lấp liếm bằng luận điệu “có tài thì có tật chút cũng không sao?”.


Hà Quang Minh
.
.
.