Hàng nghìn người Thái Lan tiếp tục biểu tình đòi cải tổ chế độ quân chủ
- Động thái mới của chính phủ Thái Lan trước làn sóng biểu tình
- Thủ tướng Thái Lan nói gì khi làn sóng biểu tình lan rộng?
- Nhà vua Thái Lan vẫy chào người dân dưới mưa dù biểu tình lan rộng
Trung tâm Y tế Erawan ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, cho biết ít nhất 55 người bị thương trong cuộc biểu tình hôm qua (17/11) tại khu vực Toà nhà Quốc hội, bao gồm ít nhất 12 người bị bắn hơi cay và 6 người trúng đạn.
Đây được coi là vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi phong trào biểu tình do thanh niên dẫn dắt khởi phát hồi tháng 7 vừa qua, nhằm yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, cũng như đòi hỏi một số yêu sách như thay đổi hiến pháp hay cải cách chế độ quân chủ.
Hàng nghìn người Thái Lan tiếp tục tập trung tại thủ đô Bangkok hôm 18/11, biểu tình đòi cải tổ chế độ quân chủ. (Ảnh: AP) |
Những người biểu tình hôm nay đã tiếp tục tụ tập tại một ngã tư lớn ở trung tâm Bangkok và di chuyển tới khu vực trụ sở cảnh sát quốc gia gần đó. Theo AP, những người biểu tình nói họ muốn bày tỏ sự tức giận trước hành động sử dụng vũ lực trước đó từ phía cảnh sát, bao gồm việc sử dụng vòi rồng tẩm hóa chất và hơi cay chống lại họ.
Sucharn Thoumrungroje, một sinh viên kỹ thuật 20 tuổi, cho biết anh quyết định tham gia cuộc biểu tình hôm nay sau khi biết về những gì đã xảy ra tại Toà nhà Quốc hội một ngày trước đó. “Tôi cảm thấy rằng việc chính phủ sử dụng vũ lực đối với người dân là không thể chấp nhận được. Tôi hiểu rằng có những rủi ro khi tham gia các cuộc biểu tình nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để chứng tỏ rằng chúng tôi không sợ hãi và kiên định với chính kiến của mình”, sinh viên này cho hay.
Tuy nhiên, phía cảnh sát lại lên tiếng phủ nhận việc sử dụng vũ lực. "Chúng tôi đang điều tra xem ai đứng sau vụ xả súng. Tôi xác nhận rằng không có cao su hoặc đạn thật nào được cảnh sát sử dụng hôm qua", Phó phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Thái Lan, Kissana Phathanacharoen khẳng định.
Hầu hết các vụ bạo lực hôm 17/11 xảy ra khi cảnh sát hành động chống lại những người biểu tình do sinh viên lãnh đạo khi họ cố gắng vượt qua dây thép gai và các hàng rào khác để tiến khuôn viên Toà nhà Quốc hội ở ngoại ô Bangkok.
Quốc hội Thái Lan đang thảo luận nhiều để xuất sửa đổi hiến pháp, nhưng hầu hết đều loại trừ khả năng thay đổi vai trò của người đứng đầu hoàng tộc.
Quốc hội Thái Lan cũng thảo luận về vai trò của thượng viện, sau khi cơ quan này được thay đổi để bảo đảm Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm ngoái.