Quyền con người trên không gian mạng ở Việt Nam luôn được đảm bảo

Thứ Ba, 08/09/2020, 13:02
Nâng cao nhận thức về quyền con người, tuyên truyền kiến thức về quyền con người, nhất là trên không gian mạng, có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa vi phạm và giúp người dân biết cách tự bảo vệ quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người.


Luôn nghiêm túc trong vấn đề nhân quyền

Tại hội thảo thông tin về Kế hoạch tổng thế thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 3 mà Việt Nam chấp thuận được tổ chức tại Hà Nội hôm 4-9, ông Trần Chí Thành, Phó Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, xuyên suốt cả 3 chu kỳ UPR trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Tham gia cơ chế UPR, Việt Nam không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của một nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ), mà còn tận dụng cơ chế này thông tin cho cộng đồng quốc tế về chính sách, pháp luật, thành tựu của Việt Nam về quyền con người; khẳng định cam kết của Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. 

Quá trình tham gia UPR, Việt Nam cũng có những cách làm, sáng kiến hiệu quả; mà tiêu biểu là việc xây dựng các kế hoạch tổng thể nhằm triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam được chấp thuận. Năm 2019, Việt Nam đã chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị mà các quốc gia đưa ra, đạt tỷ lệ gần 83%, gồm những nội dung quan trọng, toàn diện của công tác bảo đảm quyền con người, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các biện pháp bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và tăng cường thể chế bảo vệ quyền con người và các vấn đề mới đặt ra về di cư, biến đổi khí hậu, môi trường và phát triển bền vững.
Không gian mạng không phải là chốn không có luật pháp.

Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đều hoan nghênh nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an ninh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, quyền tiếp cận thông tin… Nhiều nước cũng đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong tiến trình UPR nói chung và việc xem xét, chấp thuận các khuyến nghị nói riêng, đặc biệt là có các kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị.

Kế hoạch triển khai minh bạch

Nói cụ thể hơn về việc thực hiện cam kết phát triển thông tin, báo chí, không gian mạng Internet, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông cho hay, Việt Nam vẫn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo các quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do Internet phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế Việt Nam đã cam kết; đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, quyền tiếp cận thông tin trên cơ sở Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho nhà báo.

Tính đến 30-11-2019, Việt Nam có 850 cơ quan báo chí với trên 1.000 ấn phẩm, trong đó có 179 cơ quan báo chí in (83 báo Trung ương, 96 báo địa phương với 116 báo thực hiện loại hình điện tử), 648 tạp chí in (543 tạp chí Trung ương, 105 tạp chí địa phương với 52 tạp chí thực hiện loại hình điện tử), 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập, trong đó có 16 báo, 07 tạp chí điện tử; 01 hãng thông tấn quốc gia; 67 đài phát thanh, truyền hình (02 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; 64 đài địa phương) Trung ương và địa phương với tổng số 183 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá (gồm: 106 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh, quảng bá). Số lượng đài truyền thanh cấp xã là 9.637 (gồm 2.711 đài có dây, 5.893 đài không dây FM, 961 đài cả có dây và không dây FM). Diện tích phủ sóng phát thanh đạt 99,5% lãnh thổ, diện tích phủ sóng truyền hình mặt đất đạt hơn 98% diện tích lãnh thổ. Số lượng người sử dụng Internet khoảng 64 triệu người, số tài khoản người Việt dùng mạng xã hội (MXH) là gần 80 triệu, trong đó có khoảng 73 triệu tài khoản sử dụng MXH Việt Nam như: Zalo, Mocha, Gapo (với con số lần lượt là gần 52 triệu; 8,7 triệu; gần 3 triệu; còn lại khoảng 10 triệu thuộc về các mạng xã hội khác).

Trong các năm qua, Việt Nam cũng có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đảm bảo tốt hơn các quyền của con người từ quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục... Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, bày tỏ chính kiến, kết nối chia sẻ quan điểm, tư tưởng ở Việt Nam được đảm bảo trên thực tế ngày càng tốt hơn. 

Việc nâng cao nhận thức cho người dân về quyền con người, nhất là trên không gian mạng cũng đang được chú trọng ở Việt Nam.

“Hiện Bộ Thông tin và truyền thông, với chức năng quản lý nhà nước đã và đang tích cực nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thực tiễn, góp phần đảm bảo hơn nữa các quyền của người dân trong thời đại công nghệ số như tham mưu trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản trong đó có: Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tăng cường phòng chống thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, đảm bảo môi trường thông tin lành mạnh trên không gian mạng; hoàn thiện, bổ sung các quy định bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của phóng viên; bảo vệ thông tin cá nhân và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều biện pháp cụ thể để bảo đảm quyền của người dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; thu hẹp khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền trên toàn quốc. Thống kê cho thấy, mạng lưới bưu chính, viễn thông của Việt Nam tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp. Toàn quốc có 12.738 điểm phục vụ bưu chính công cộng với nhiều loại hình dịch vụ bưu chính đa dạng, kết hợp phục vụ hành chính công. Mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số. 

Tháng 4-2019, trạm BTS 5G với tốc độ kết nối từ 600 - 700Mbps - tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng của mạng 5G Verizon (Mỹ) đã được triển khai tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 66.281.760 người; số người sử dụng Internet/100 dân là 68,70. Số hộ gia đình có kết nối Internet là 19.158.310; số hộ gia đình có kết nối Internet/100 hộ gia đình là: 71,30. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (Bộ TTTT) đã thực hiện hỗ trợ người dân tộc thiểu số truy cập Internet ở vùng sâu, vùng xa thông qua hỗ trợ gián tiếp tại các trường học, bệnh viện với số lượng tính đến thời điểm hiện tại là: 5.435 điểm.

Rõ ràng, về mức độ phủ sóng Internet cũng như việc đảm bảo cho người dân ở mọi vùng miền được cách tiếp cận các thông tin trên mạng đã được Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện. Nhưng không gian mạng là một nơi phức tạp và không phải chốn không có luật pháp. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về quyền con người, tuyên truyền kiến thức về quyền con người, nhất là trên không gian mạng cũng đang được triển khai rộng khắp ở Việt Nam. Mục đích là để giúp người dân biết cách tự bảo vệ quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người. Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang thực hiện tương đối đúng tiến độ và đẩy đủ các khuyến nghị nhận được và đã phần nào nâng cao được ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia trên thế giới đang triển khai Luật An ninh mạng. Sau gần hai năm có hiệu lực thi hành, những quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng của Luật An ninh mạng của Việt Nam đã đi vào đời sống, góp phần làm lành mạnh thông tin trên thế giới ảo, tạo sự tương tác tốt trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Luật An ninh mạng của Việt Nam kiên định vấn đề có tính nguyên tắc là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền bởi ngay cả luật pháp quốc tế cũng có những điều khoản quy định quyền con người gồm: quyền tuyệt đối, quyền tương đối và quyền bị hạn chế.


Huyền Chi
.
.
.