Chuyển đổi số ở vùng biên giới Nghệ An

Thứ Hai, 05/02/2024, 08:57

Thời gian qua, với vai trò tiên phong, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới rẻo cao, góp phần cùng các cấp, ngành để chuyển đổi số thực sự là cơ hội bứt phá, vươn lên, là giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại Nghệ An…

1. Nhiều năm nay, gia đình anh Ngân Văn Hột (SN 1987), trú tại bản Đình Hương, xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An, luôn được xếp vào diện hoàn cảnh khó khăn, bởi là trụ cột trong gia đình nhưng bản thân anh bị đau yếu, bệnh tật. Không những thế, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn do liên quan đến nhiều giấy tờ, thủ tục.

Chuyển đổi số ở vùng biên giới Nghệ An -0
Tổ công tác Công an huyện Tương Dương (Nghệ An) đến tận nhà giúp anh Ngân Văn Hột hoàn tất các thủ tục cài đặt định danh điện tử.

Anh Hột cho biết, mỗi lần đi điều trị, người nhà lại phải tìm đủ loại giấy tờ tuỳ thân để nhập viện. Vừa qua, được tổ công tác Công an huyện Tương Dương đến tận nhà làm các thủ tục cấp căn cước công  dân (CCCD), hướng dẫn cài đặt định danh điện tử VNeID và hướng dẫn tích hợp các giấy tờ tuỳ thân liên quan vào chiếc điện thoại di động, mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn nhiều. Không chỉ làm các thủ tục liên quan đến khám chữa bệnh nhanh mà việc thanh toán hoá đơn tiền điện cũng được giải quyết chỉ bằng những nút bấm trên điện thoại, tiện ích vô cùng.

Có thể thấy, việc tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số của lực lượng Công an đã giúp người dân vận dụng những tiện ích về công nghệ thông tin để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, công việc, sản xuất và đang trở thành xu hướng tích cực ở vùng biên giới rẻo cao này.

Tương Dương là huyện miền núi phía Tây Nghệ An, là địa bàn có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 66,339km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn huyện có 16 xã và 1 thị trấn. Tương Dương hiện có 18.514 hộ với 79.155 nhân khẩu đang cư trú. Đặc thù là huyện miền núi với gần 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí nhìn chung còn hạn chế, dân cư phân bố không đồng đều, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn. Những điều kiện đó ảnh hưởng rất lớn tới việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về triển khai Dữ liệu dân cư quốc gia, cấp CCCD, quản lý cư trú…

Xác định rõ tính chất cấp thiết và tầm quan trọng chuyển đổi số đối với sự phát triển của người dân nơi đây, Công an huyện với vai trò chủ trì đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan, đơn vị bám sát mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể được giao chủ trì hoặc phối hợp triển khai, thực hiện.

Kết quả, đến nay người dân đã sử dụng tài khoản VNeID của công dân để nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu thông tin cư trú của công dân và thực hiện các thủ tục liên thông khai sinh, khai tử; đồng bộ dữ liệu hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; liên thông phần mềm dữ liệu bảo hiểm xã hội và phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục liên thông và các thủ tục hành chính khác. Đặc biệt  tại huyện biên giới rẻo cao này cũng đã sử dụng thẻ CCCD được tích hợp bảo hiểm y tế của công dân trong việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Hiện nay, đã có 18 cơ sở khám chữa bệnh được trang bị thiết bị đọc thẻ CCCD để thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế  bằng CCCD; việc sử dụng tài khoản VNeID của công dân để nộp hồ sơ đăng ký xe cũng như kê khai, tích hợp mã số thuế cá nhân…

Việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh điện tử đã cắt giảm các quy trình, thủ tục, thời gian đi lại… tạo thuận lợi cho người dân.

Có thể thấy, chuyển đổi số là một trong những dấu ấn nổi bật của huyện miền núi vùng cao này trong hơn 1 năm qua. Những kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đồng bào dân tộc thiểu số càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

2. Dù đặc thù là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc chuyển đổi số được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm, bước đầu đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhiều ngành, lĩnh vực đã tiên phong chuyển đổi số, tạo hiệu ứng lan toả tích cực. Trong đó, với vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong, thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và chất lượng phục vụ nhân dân.

Chuyển đổi số ở vùng biên giới Nghệ An -1
Công an tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân vùng cao cài đặt VNeID và tích hợp các tiện ích vào điện thoại.

Điển hình là tập trung đổi mới, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ngoài xã hội, với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và người dân thực hiện thủ tục hành chính, nổi bật trên 3 nhóm vấn đề, gồm: Tham mưu UBND tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, được Bộ Công an đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc; triển khai hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến theo chỉ đạo của Bộ Công an, 100% hồ sơ đều tiếp nhận, giải quyết qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời tập trung nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền cắt giảm 80 thủ tục hành chính. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Công an các đơn vị, địa phương và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Nghệ An cũng quyết liệt, tăng cường cải cách hành chính trong nội bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính trên cả 3 cấp - Công an tỉnh, Công an huyện và Công an cấp xã. Đối với Công an tỉnh, hiện đại hóa, tối ưu hóa, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào công tác Công an gắn với đảm bảo về công tác bảo mật; Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Đặc biệt, trong năm 2023, Công an tỉnh Nghệ An đã tiếp tục chuyển hướng, dồn lực trọng tâm và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tại Công an cấp xã. Trong đó, ưu tiên nguồn lực, kinh phí để xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của 460/460 mô hình cải cách hành chính Công an cấp xã. Chất lượng và thái độ phục vụ người dân của cán bộ, chiến sĩ luôn được thực hiện ở mức cao nhất, tâm huyết nhất, tận tụy nhất, với mục tiêu nhất quán là “Chưa hết việc là chưa hết giờ”; “Không để nhân dân chờ lâu, không để nhân dân phải quay về trong thực hiện thủ tục hành chính”.

Đã chủ động lắp camera giám sát việc tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính và hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ qua mã QR tại bộ phận một cửa của 460/460 Công an xã, phường, thị trấn; tạo thành cơ chế kiểm soát thủ tục hành chính chặt chẽ, khép kín từ Công an tỉnh đến Công an cấp huyện, Công an cấp xã. Tập trung xây dựng 16 Công an phường, 48 xã, phường, thị trấn điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và văn minh đô thị, riêng thị xã Thái Hòa, thị xã Cửa Lò là 2 đơn vị đầu tiên của toàn quốc được Bộ Công an cho phép xây dựng đơn vị cấp huyện kiểu mẫu.

Từ những giải pháp thiết thực trong chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số không chỉ phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh biên giới, an ninh dân tộc; tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự mà còn giúp người dân học tập, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.

Hải Việt
.
.