Nữ bác sĩ Công an mang con vào bệnh viện "trực chiến"
- Hà Nội lo ngại đỉnh dịch sốt xuất huyết thứ 2
- Sốt xuất huyết vẫn đang ở đỉnh dịch
- Bác sỹ Công an "chiến đấu" với dịch sốt xuất huyết
Thiếu tá, BS Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) 198 Bộ Công an dành cho chúng tôi một chút thời gian sau ca trực. Có lẽ chưa bao giờ Khoa truyền nhiễm lại chịu sức ép căng thẳng như những tháng hè vừa qua.
Hà Nội và một số địa phương trong cả nước dịp tháng 7, tháng 8-2017 nóng từng ngày bởi số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt, cao điểm lên đến trên trên 30.000 người mắc, 7 người đã tử vong.
Cũng như các bệnh viện Trung ương và Hà Nội, lúc đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết, trung bình một ngày tại phòng khám BV 198 đón tiếp khoảng hơn 200 đến 300 bệnh nhân, trong khi chỉ có 50 giường nội trú.
"Chưa có năm nào dịch bùng phát căng thẳng như năm nay. Từ khoa khám bệnh đến các khoa chuyên môn đều phải tập trung cao độ mới hoàn thành công việc. Bệnh viện đã phải kê thêm giường nhưng vẫn có những lúc bệnh nhân phải nằm ghép đến 3 người một giường..." - BS Thủy cho hay.
Thiếu tá, BS Đỗ Thị Thanh Thủy |
Để có thể đối phó với tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp như thế, không chỉ riêng cá nhân BS Thủy mà toàn bộ tập thể nhân viên khoa phòng BV 198 đều phải gồng mình lên mới đáp ứng được công việc.
Các thầy thuốc của BV đều không được nghỉ. Dịp đó, theo chỉ đạo của lãnh đạo BV, các khoa đều tổ chức làm việc trước 7h, và mọi người tuy không phải ca trực nhưng đều xác định xong hết việc mới về, thậm chí có những hôm đến 23h đêm, thậm chí thức trắng đêm với bệnh nhân.
Theo BS Thủy, ở Khoa Truyền nhiễm, số lượng bác sỹ y tá là nữ chiếm khá đông. Việc giờ giấc bị đảo lộn, bệnh nhân quá tải đã khiến cho khiến áp lực công việc đè nặng lên đôi vai các chị, cuộc sống gia đình cũng bị tác động phần nào.
Đang là dịp nghỉ hè, các nữ y bác sĩ ở Khoa phải đón và cho con chơi ở phòng trực để tiếp tục công việc của mình. Hết ca làm, họ lại mang theo bệnh án về nhà, vừa làm vai trò của người phụ nữ trong gia đình, vừa tiếp tục công việc của một bác sĩ ngay cả khi không ở trong bệnh viện.
Éo le hơn, có những trường hợp ngay chính nhân thân của bác sĩ, y tá mắc bệnh nhưng họ vẫn không thể dành thời gian chăm sóc cho gia đình vì còn rất nhiều bệnh nhân đang chờ. "Nhiều lúc nhìn con tha thẩn chơi một mình trong môi trường bệnh viện mà rớt nước mắt, nhưng không thể vì thế mà lơ là nhiệm vụ với bệnh nhân" - BS Thủy xúc động kể lại.
Được biết, chồng BS Thủy cũng theo nghề y. Hai vợ chồng nhiều hôm "dính" ca trực, vậy là con cái phải tự ở nhà bảo nhau. Khó khăn quá thì đưa con ôm sách vở lên trực đêm với bố mẹ. Khi được hỏi “Làm trong môi trường như vậy có bao giờ chị thấy băn khoăn gì không”, nữ Phó khoa chia sẻ với chúng tôi rất thật lòng: “Nếu ai cũng ngại thì chẳng có ai làm việc trong ngành này cả”.
Thiếu tá, BS Đỗ Thị Thanh Thủy thăm khám bệnh nhân |
Chính sự tận tình, chu đáo của các thầy thuốc BV 198 mà trong thời gian qua, hàng ngàn lượt bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến khám và điều trị ở BV 198 không có trường hợp nào tử vong, dù không ít ca nguy kịch do chủ quan nên nhập viện muộn.
Một trường hợp khác khiến chị nhớ mãi là một bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn ở Phú Thọ, bị sốt xuất huyết nặng lại có nhóm máu hiếm nên phải chuyển lên tuyến trên nhưng cả người nhà và bệnh nhân đều tha thiết xin ở lại khoa. Bệnh nhân Tuấn sau này ra viện đã viết thư cảm ơn gửi đến chị và các thầy thuốc trong khoa.
"Chính sự tận tình chu đáo của các BS BV 198 mà tôi đã được cứu sống. Tôi vô cùng cảm kích và biết ơn các thầy thuốc Khoa truyền nhiễm BV 198. Các anh các chị không chỉ lương y như từ mẫu mà còn là những cán bộ Công an vì nhân dân phục vụ....". - bệnh nhân Tuấn viết trong thư. Và chính những tình cảm đặc biệt từ phía bệnh nhân và thân nhân người bệnh này đã tiếp thêm sức mạnh cho các y bác sĩ ở đây để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của mình.
Ngày cao điểm có từ 250 - 300 người đến thăm khám tại BV 198 |
Tốt nghiệp Đại học Y năm 2002, cho đến nay bác sĩ Thủy đã gắn bó với khoa Nội và Truyền nhiễm BV 198 được hơn hơn 10 năm. Sau khi tốt nghiệp, chị có học thêm chứng chỉ về các chuyên ngành phụ trợ khác nhưng cuối cùng Truyền nhiễm vẫn là khoa chị chọn để làm việc. Ngoài công việc chính ở BV, chị vẫn dành thời gian đi giảng bài cho sinh viên trường y ở một số trường và BV trong địa bàn thành phố...
“Có những lúc đã có ý nghĩ chuyển sang ngành khác, nhưng thật ra ở trong nghề y không có ngành nào là nhẹ nhàng cả, quan trọng là người ta tìm thấy được đam mê và nhiệt huyết trong công việc của mình.” – chị cười đôn hậu.
Nghề y là nghề đặc thù nên BS Thủy cũng như đồng nghiệp hầu như chẳng có ngày nào nghỉ ngơi. Ngày lễ, Tết Nguyên đán, hoặc đơn giản là ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10... các chị cũng đều phải bám bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân.
Động lực tiếp thêm sức mạnh cho chị đó là một gia đình nhỏ hạnh phúc, một người chồng hiểu và sẻ chia với công việc. "Sáng nay 20-10, người nhắn tin chúc mừng sớm nhất là ông xã, sau đó là 3 bệnh nhân đang nằm điều trị trong khoa. Chỉ thế thôi cũng đủ hạnh phúc rồi" - BS Thủy xúc động nói.