Những người thầy đặc biệt trên thao trường đầy nắng, gió
- Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện CSND và Đại học Hành pháp Mông Cổ
- Học viện CSND Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Dù rất căng thẳng, mồ hôi toát ra đầm đìa nhưng các học viên vẫn chăm chú dõi mắt theo hành động của thầy giáo Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSCĐ, bởi hơn ai hết họ là những người không quản ngại vất vả làm đi làm lại các động tác để truyền đạt cho học viên, giúp học viên thực hành một cách chính xác, thuần thục nhất…
Hướng dẫn học viên thực hành chiến thuật đánh bắt khủng bố nhà cao tầng. |
Tôi đến Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bộ Tư lệnh CSCĐ, khi con phố Kiều Mai (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phủ đầy lá vàng, tình cờ cũng là lúc đang diễn ra buổi thực hành chiến thuật đánh bắt khủng bố nhà cao tầng của khóa học mới.
Trung úy Lương Hồng Việt, giáo viên lớp học cho biết, kỹ chiến thuật đột nhập nhà cao tầng vận động theo nhiều mũi: mũi leo thang dây, mũi lên sào và mũi trèo tường. Tuy nhiên dù là mũi nào thì cũng đòi hỏi mọi động tác kỹ thuật phải nắm chắc yếu lĩnh.
Ví dụ như khi lên thang dây, nếu không thực hiện đúng trọng tâm thì thang sẽ bị đu đưa, khiến người lên gặp khó khăn, có thể gây ra tiếng động lớn, lộ bí mật. Đối với động tác xuống dây (người bám vào dây, đi ngược tường từ trên xuống dưới) đòi hỏi phải có thần kinh “thép”, bản lĩnh, ý chí vững vàng. Chính vì vậy, cán bộ chiến sỹ (CBCS) được rèn luyện với từng độ cao một, rồi tăng dần độ cao thì mới có thể thuần thục, bài bản…
“Giáo viên có nhiều phương pháp, vừa nói vừa làm hoặc giáo viên hướng dẫn, có người thực hiện động tác mẫu. Nhưng quan trọng là lúc thực hành phải vừa làm nhanh, làm chậm, có phân tích, đồng thời chỉ ra những tồn tại mắc phải để học viên dễ hình dung hơn và rút kinh nghiệm…” -Trung úy Lương Hồng Việt cho biết thêm.
Còn học viên Phạm Đình Nam tâm sự, khó nhất là động tác vừa leo thang vừa cầm súng. Lúc mới học, Nam được các thầy buộc dây giữa súng với tay, nhờ đó có thể thực hành động tác dùng tay leo thang dọc lên tầng cao mà không bị rơi súng. “Nhờ các thầy chỉ bảo kỹ năng và được luyện tập nhiều nên giờ mình có thể yên tâm thực hiện các động tác không bị va vấp nữa”, Nam nói dứt câu rồi lại vào ngay động tác lên sào dưới sự phối hợp của các học viên khác.
Thán phục trước những động tác khó, nguy hiểm nhưng được các học viên của khóa học mới thực hiện đẹp mắt, tôi còn bất ngờ hơn bởi cạnh đó, giữa sân cỏ rộng lớn là lớp rèn luyện võ thuật của Học viện Chính trị CAND; xen lẫn các sân xi măng là lớp Điều lệnh liên thông của Học viện CSND; sát mô hình máy bay là lớp rèn luyện võ thuật cho chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong CAND…
Thượng tá Phan Công Côn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ cho biết, việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ quân sự võ thuật chỉ là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Được thành lập năm 2003, trên cơ sở Tiểu đoàn Huấn luyện – Cục Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp (nay là Bộ Tư lệnh CSCĐ), Trung tâm có nhiệm vụ giúp Tư lệnh CSCĐ tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, quân sự võ thuật cho CBCS hệ lực lượng CSCĐ và CBCS các lực lượng khác trong CAND; tổ chức huấn luyện chiến sỹ phục vụ có thời hạn; đào tạo nghề cho hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn hết hạn phục vụ tại ngũ…
Trung tâm gồm 5 đội (tổng hợp, đào tạo dạy nghề, huấn luyện nghiệp vụ quân sự võ thuật, quản lý học viên, hậu cần). Sau hơn 10 năm thành lập, Trung tâm đã khắc phục những khó khăn về con người và cơ sở vật chất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2014 được tặng Cờ thi đua của Bộ Công an và năm 2015 được tặng Cờ thi đua của Chính phủ là phần thưởng lớn lao ghi nhận những nỗ lực của tập thể đơn vị.
Phóng tầm mắt ra khoảng sân rộng, có mô hình máy bay, đồng chí Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Năm 2015 là năm mà đơn vị phải đảm nhận một khối lượng lớn công việc, trong đó tiếp nhận 2 khoá chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong CAND với quân số gần 1.000 học viên đã chiếm rất nhiều thời gian và nhân lực; đó là chưa kể việc tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo chuyên đề, phân công, cắt cử giáo viên đi huấn luyện cho rất nhiều Công an đơn vị, địa phương…
Đặc biệt phải kể đến công tác tiếp nhận, tổ chức, quản lý và huấn luyện 10 khối phục vụ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2-9 trong thời gian 4 tháng, quân số lên đến hàng ngàn người.
“Thời gian ấy từ tháng 5 đến tháng 9, tiết trời Hà Nội nắng nóng kỷ lục trong khi yêu cầu của Ban Chỉ đạo rất nghiêm ngặt. Đối với 5 khối tập tại Công viên Hoà Bình, mỗi lần duy trì tập, các khối phải đi quãng đường hơn 7km, trong đó 250-300m đi nghiêm chào. Khi thời tiết khắc nghiệt chúng tôi phải điều tiết lại, buổi sáng học sớm nghỉ sớm, buổi chiều học muộn và nghỉ muộn” - Thượng tá Phan Công Côn kể lại.
Còn Trung tá Nguyễn Huy Toản, Đội trưởng Đội Huấn luyện nghiệp vụ quân sự võ thuật vẫn còn nhớ rõ, 100% cán bộ của đội ngoài nhiệm vụ chuyên môn là huấn luyện phải tham gia cùng với lực lượng quân y hỗ trợ các học viên hồi sức, dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng ốc chật hẹp.
“Xong Lễ kỷ niệm, Đội lại bắt tay vào đợt huấn luyện về điều lệnh, võ thuật cho toàn bộ khoá D41 Học viện CSND hệ đào tạo chính quy, diễu, duyệt đội ngũ cho lễ khai giảng năm học 2015-2016; huấn luyện chuẩn đầu ra về điều lệnh, võ thuật cho các khoá này. Đội cũng cử nhiều CBCS huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật cho hầu hết Công an các đơn vị trực thuộc Bộ Công an”, Trung tá Nguyễn Huy Toản cho biết.
Nhắc lại kỷ niệm về thời gian luyện tập cho Lễ diễu binh diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2-9, không ít giáo viên vẫn còn bồi hồi, lưu luyến. Dù phải huấn luyện trong thời gian gấp rút, căng thẳng nhưng các anh cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được mang trọng trách “rèn quân luyện cán” để có những khối đi, khối đứng đẹp nghiêm ngắn trong thời khắc quan trọng của đất nước.
Trực tiếp tham gia huấn luyện khối nữ CSGT, Trung uý Lương Hồng Việt không sao quên được buổi tổng duyệt đêm 30-8, dưới cơn mưa to nhưng các học viên vẫn hừng hực khí thế. Anh đặc biệt ấn tượng với đồng chí khối trưởng Đặng Thị Hương Quỳnh, quê Hải Phòng, học viên Học viện CSND: Quỳnh là một trong những đồng chí điều kiện gia đình khó khăn, nhưng đã khắc phục và chịu khó học tập.
Sau một ngày ròng rã luyện tập, hợp luyện rất vất vả từ sáng sớm đến tối mịt, cả thầy và trò đều thấm mệt và muốn nghỉ ngơi nhưng tối nào Quỳnh cũng yêu cầu được luyện tập thêm để đáp ứng được động tác đi của khối trưởng. Trò chịu khó và thầy tận tuỵ, đó là hai yếu tố khiến sau này trong lễ diễu binh khối nữ CSGT đã trở thành một trong những khối đi đẹp nhất, trong đó có người khối trưởng nổi bật Hương Quỳnh.
Quản lý chính khối đi nam Cảnh sát PCCC – một trong những khối đi được đánh giá tốt nhất trong 15 khối của Bộ Công an, có thể lực tốt, thể hình đẹp nhất và luôn dẫn đầu về nền nếp, kỷ cương, với Trung tá, Đội trưởng Đội Quản lý học viên Nguyễn Minh Sơn thì mỗi một lần hợp luyện đều là kỷ niệm đáng nhớ: 1h30 thức dậy, vừa hành quân hợp luyện vừa tranh thủ ăn sáng trên xe. Trời nắng nóng khó chịu nhưng mồ hôi ướt áo chưa ráo thì mưa xuống, khiến các thầy luôn nơm nớp lo học viên bị ốm vào đúng ngày diễn ra buổi lễ… Vậy nên những cán bộ quản lý học viên như anh lại phải gần gũi học viên, động viên, tâm sự, sẻ chia để giúp họ an tâm tư tưởng.
Có lẽ, thành công của những người thầy làm nhiệm vụ huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ ở Trung tâm không chỉ là huấn luyện được những học viên giỏi mà còn là động viên được tất cả học viên cùng quyết tâm, cố gắng hoàn thành bài học dù khó khăn, vất vả. Thao trường đầy nắng, gió, những mệt nhọc có lúc làm học viên lung lay, chán nản. Nhưng bóng dáng vững chãi và giọt mồ hôi rơi của những người thầy sẽ khiến học viên vững tâm, kiên cường hơn với những bài học mà độ khó tăng dần đều…
"Chúng tôi được ân cần chăm sóc trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Những lời thăm hỏi, động viên khi chúng tôi đau ốm, đi học về. Hay những giọt nước mắt lau vội khi thấy chúng tôi đổ mồ hôi trên thao trường. Làm chúng tôi thấy ấm lòng...". - Nhật ký của một học viên Học viện CSND. |