Giảng viên trẻ Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy có bài đăng trên tạp chí uy tín quốc tế

Thứ Năm, 06/12/2018, 10:07
Năm 2018 có thể xem là “mùa gặt” của Thượng úy Phạm Văn Thành, Khoa Tự động và Phương tiện kỹ thuật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Trường Đại học PCCC khi giảng viên sinh năm 1990 này cùng lúc đạt cả hai danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu tiểu” của Trường Đại học PCCC và Đại học Công nghệ - ĐHQGHN (nơi Thành đang làm nghiên cứu sinh). 

Bất ngờ hơn nữa khi giảng viên 9X này còn là tác giả của 2 bài báo được đăng trên tạp chí ISI uy tín, vốn là mơ ước của rất nhiều giảng viên và cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học.

Tốt nghiệp Trường Đại học công nghiệp Hà Nội, được giữ lại trường làm giảng viên nhưng Phạm Văn Thành lại “đầu quân” cho một công ty công nghệ của nước ngoài. Đi làm được một thời gian, chàng trai trẻ đã quyết tâm quay trở lại giảng đường đại học. 

Năm 2013, Phạm Văn Thành chính thức trở thành giảng viên của Khoa Tự động và Phương tiện kỹ thuật PCCC. Là giảng viên trẻ, kinh nghiệm thực tế còn hạn chế nên Thành luôn có ý thức học hỏi mọi lúc, mọi nơi, nhất là từ các đồng nghiệp đi trước và học từ thực tiễn. 

Thượng úy Phạm Văn Thành với các phương tiện kỹ thuật trong phòng thí nghiệm của Khoa Tự động và Phương tiện kỹ thuật PCCC.

Ngoài thời gian ở trường, Thành rất chú trọng việc đi thực tế tại các đơn vị nghiệp vụ, các cơ sở địa bàn để tăng kỹ năng thực hành. Chính những trải nghiệm thực tế này đã giúp cho bài giảng của giảng viên trẻ sinh năm 1990 này tạo được sức hấp dẫn riêng đối với học viên. 

Trong giờ lên lớp, Thành luôn cố gắng giảng từ các tình huống thực tế, từ đó chỉ ra bản chất của hiện tượng qua các câu hỏi vui, biến lĩnh vực vốn khô cứng như kỹ thuật PCCC và cứu nạn cứu hộ trở nên gần gũi hơn.

Không chỉ say mê tìm hiểu thông tin, học hỏi từ thực tiễn để nâng cao chất lượng từng bài giảng, giảng viên trẻ Phạm Văn Thành còn say mê nghiên cứu khoa học và bước đầu gặt hái được những thành công đáng ghi nhận. 

Trong năm học 2017-2018, Thành đã đăng 2 bài trên tạp chí ISI uy tín. Bài báo ISI thứ nhất có chủ đề xây dựng hệ thống phát hiện các sự cố đối với con người như ngã, ngất, phân loại các hành vi của con người. 

Để hoàn thành bài báo bằng tiếng Anh, dài hơn 20 trang này, Thành đã mất tròn 8 tháng, chưa kể thời gian nghiên cứu. Bài báo thứ hai có nội dung xác định bước chân, sử dụng hệ độc lập hỗ trợ cho mục tiêu định vị cho người bên trong nhà và công trình.

Bên cạnh đó, Thành còn viết bài và tham gia báo cáo tại 3 Hội nghị khoa học quốc tế, đồng thời đã gửi 1 bài báo tới Hội nghị khoa học quốc tế và được trao giấy khen bài báo xuất sắc tại Hội nghị khoa học dành cho nghiên cứu sinh của ĐHQGHN. 

Ngoài ra, giảng viên trẻ này còn tham gia đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu chế tạo thiết bị tự động truyền tin báo cháy đa vùng thông minh sử dụng mạng thông tin di động tích hợp trong các hệ thống báo cháy tự động” đang trong quá trình hoàn thiện; hướng dẫn 2 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 nhóm đạt giải nhất với đề tài “Xây dựng hệ thống định vị và xác định vị trí của lính cứu hỏa gặp sự cố khi thực hiện nhiệm vụ bên trong tòa nhà đang cháy”. 

Cũng trong năm học 2017- 2018, Thành đã được trao tặng học bổng Toshiba dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc.

Chia sẻ về kinh nghiệm viết bài đăng trên tạp chí ISI, giảng viên trẻ Phạm Văn Thành cho biết: Một bài báo có thể đăng được trên tạp chí ISI cũng là một công trình nghiên cứu, rất vất vả và mất nhiều thời gian. 

Đáng chú ý, công trình này phải có tính phát hiện, tính mới mẻ không phải so với Việt Nam mà là mới so với thế giới nên nếu không có đam mê thì không thể nào làm nổi.

Bên cạnh đó, người viết cũng phải có một trình độ tiếng Anh nhất định để đọc tài liệu tham khảo; có kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng internet để tìm các tạp chí uy tín; có thể tương tác với các tổng biên tập để trả lời phản biện và cuối cùng là kỹ năng đọc và viết được một bài báo khoa học đúng chuẩn, đúng cấu trúc.

“Hiện các tạp chí ISI trên thế giới có hai dạng, một là dạng mở, mất phí do bản quyền thuộc về tác giả. Dạng thứ hai là đóng, không mất phí, bản quyền thuộc về Ban biên tập. Tuy nhiên, dù là dạng mở hay đóng thì cũng đòi hỏi hàm lượng trí tuệ khoa học rất cao trong mỗi công trình nghiên cứu. Các trường đại học lớn của Việt Nam hiện nay đều có chính sách hỗ trợ cho giáo viên trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các tác giả có bài đăng trên tạp chí ISI. Mong rằng, Bộ Công an cũng sẽ sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này để động viên kịp thời và lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên trẻ trong toàn lực lượng” - Thượng úy Phạm Văn Thành chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.