Mở rộng đối tượng miễn học phí tới bậc trung học cơ sở
- Bộ Giáo dục lên tiếng về thông tin học phí đại học có thể lên tới 50,5 triệu đồng1
- Học phí đại học có thể tăng gấp 3 lần
- Hà Nội tăng học phí công lập từ năm học 2017-2018
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký, sẽ sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo.
Trong đó, giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp THCS; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp THPT. Trong thời gian học THPT, học sinh có thể chuyển sang học chương trình đào tạo trung cấp nếu đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể học lên ĐH hoặc theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc tiểu học và THCS khối công lập |
Đặc biệt, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí khi bổ sung quy định miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập. Tức là học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Bên cạnh đó, trong tờ trình Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ về chính sách đối với nhà giáo sẽ được cụ thế hóa trong dự thảo Luật giáo dục sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục. Bộ GDĐT đề xuất sửa Điều 81 "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Ngoài ra, tờ trình còn cho thấy một thay đổi khác là sẽ nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học. Cụ thể, dự thảo sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 77 như sau: "Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên tiểu học".
Theo Bộ GD&ĐT, việc sửa đổi này nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở… phải có trình độ từ đại học trở lên”. Căn cứ thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.