Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục: Đại học công lập chiếm 70% quy mô đào tạo

Thứ Sáu, 07/03/2025, 16:48

Chiều 7/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Họp báo công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT được giao xây dựng hai quy hoạch, gồm: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi hoàn tất các thủ tục, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt hai quy hoạch này.

"Bộ GD&ĐT mong muốn thông qua báo chí, người dân, xã hội hiểu rõ hơn về nội dung, quan điểm, tinh thần của hai quy hoạch; từ đó thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và bố trí nguồn lực để thực hiện quy hoạch hiệu quả", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh. 

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục: Đại học công lập chiếm 70% quy mô đào tạo -0
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi họp báo.

Chia sẻ về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đại học sư phạm, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trên cơ sở phân tích thực trạng mạng lưới, đặc biệt là dữ liệu về phân bố không gian của các cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch đưa ra các định hướng phát triển của mạng lưới đến năm 2030.

Về mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm toàn quốc, quy hoạch nêu rõ, các cơ sở giáo dục đại học công lập đóng vai trò nòng cốt, chiếm khoảng 70% quy mô đào tạo. Trong mạng lưới, từ 50 đến 60 cơ sở giáo dục đại học đào tạo tới trình độ tiến sĩ, trong đó khoảng 50% cơ sở phát triển theo định hướng nghiên cứu.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục: Đại học công lập chiếm 70% quy mô đào tạo -0
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ thông tin tại buổi họp báo.

Về phương án sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện có; sắp xếp, thu gọn số đầu mối cơ sở giáo dục đại học công lập; sắp xếp, củng cố hoạt động các phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương (trừ Bộ GD&ĐT) và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc UBND cấp tỉnh. Khuyến khích thành lập mới, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín, nhất là các cơ sở giáo dục đại học chuyên đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển các đại học quốc gia và đại học vùng đạt chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực và thế giới.

Về mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên, quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô từ 180 đến 200 nghìn người học, trong đó khoảng 85% ở trình độ đại học và 15% ở trình độ cao đẳng, phân bố quy mô tại các vùng; dự kiến có từ 48 đến 50 cơ sở giáo dục đại học.

Đối với mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM, quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM đạt quy mô hơn 1 triệu người học, trong đó khoảng 7% trình độ thạc sĩ (và trình độ tương đương) và 1% trình độ tiến sĩ. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển 5 cơ sở giáo dục đại học công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ then chốt, mũi nhọn để trở thành các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, có chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực, trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp vào nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á...

Ngoài ra, quy hoạch cũng tiếp tục phát triển 3 trường đại học xuất sắc được thành lập theo hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và một số quốc gia khác thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu với mức độ quốc tế hóa cao, trọng tâm là những ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiềm năng; phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, tăng quy mô đào tạo từ 180.000 đến 200.000 người học đại học. Hình thành, phát triển các mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo từng lĩnh vực trọng điểm, then chốt khác theo chiến lược phát triển đất nước, chiến lược phát triển các ngành kinh tế - xã hội, đặc biệt các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục: Đại học công lập chiếm 70% quy mô đào tạo -0
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông phát biểu tại họp báo.

Hình thành và phát triển các mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo vùng, tiểu vùng, lấy các đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm làm nòng cốt, tăng cường liên kết trong mạng lưới và gắn kết với cơ sở nghiên cứu, khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương lân cận. Hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn trên cơ sở nâng cấp, phát triển và liên kết các cơ sở giáo dục đại học, khu đô thị đại học, cụm đại học tại 4 vùng đô thị lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ...

Thông tin về Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông cho biết: Quy hoạch  nhằm mục tiêu phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, phấn đấu 100% số đơn vị cấp tỉnh có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập.

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật đủ về số lượng, đạt trình độ chuẩn được đào tạo và đáp ứng quy định về giáo dục đối với người khuyết tật. Đến năm 2030, có khoảng 3.300 giáo viên và 7.400 viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật. Đến năm 2050, có khoảng 4.900 giáo viên và 10.900 viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật...

Huyền Thanh
.
.
.